Hải Phòng: “Hô biến” trại chăn nuôi thành khu du lịch sinh thái

GD&TĐ - Hơn 3,6 ha đất bãi ngoài ven sông thôn Thuỷ Giang (xã Trường Thành, huyện An Lão) được UBND huyện An Lão cho thuê với mục đích làm trang trại chăn nuôi tổng hợp nhưng không lâu sau đã được “hô biến” thành một khu du lịch sinh thái mang tên “Trường Thành Farm”.

Khuôn viên khu sinh thái Trường Thành. Ảnh: IT
Khuôn viên khu sinh thái Trường Thành. Ảnh: IT

Khu sinh thái ngoài đê

Gần đây, nhiều người dân TP Hải Phòng nhất là giới trẻ thường kháo nhau về “Trường Thành Farm” một khu du lịch sinh thái lý tưởng nằm ngay ngoài đê thôn Thuỷ Giang, xã Trường Thành, huyện An Lão.

Cách trung tâm TP Hải Phòng 15 km theo quốc lộ 10 hướng Hải Phòng - Thái Bình, qua trụ sở UBND xã Trường Thành không xa, khu du lịch sinh thái hiện lên lung linh, hoành tráng trước sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên, có đôi chút tò mò của người dân thôn quê. Quả thực, những lời quảng cáo trên các trang mạng xã hội về một “khu vườn cổ tích trong mơ” tại Trường Thành Farm là có thật.

Bước qua bờ đê tả sông Lạch Tray, nhìn xuôi xuống bãi ngoài ven sông là một khu sinh thái rộng ngút ngàn. Chiếc cổng xi măng hoành tráng được xây dựng chềnh ềnh trên hành lang đê thôn Thuỷ Giang. Tiếp đến, vào phía trong là một dãy nhà xây dựng kiên cố được chủ đầu tư dùng làm quầy lễ tân, nơi phục phụ đồ ăn nhanh, nước uống cho khách. Khách muốn vào phải mua vé tham quan, trẻ em là 50.000 đồng/lượt, người lớn là 80.000 đồng/lượt.

Tuy mới hình thành và đang dần hoàn thiện nhưng khu du lịch này đã đón rất nhiều đoàn khách đến tham quan, vui chơi. Nhiều trường học trong địa bàn thành phố cũng cho học sinh đến nơi đây để trải nghiệm.

Trường Thành Farm có một tài khoản Facebook với những lời quảng cáo “có cánh” về khu du lịch sinh thái được lấy ý tưởng từ những khu vườn cổ tích với thiết kế độc đáo. Khu du lịch nổi bật với nhiều cảnh quan kiến trúc nghệ thuật như: Làng chú Lùn hobbit, làng thổ dân da đỏ, những nhà sàn trên cây trong rừng, lầu vọng mang phong cách văn hoá của nhiều nước trên thế giới… Ngoài ra, nơi đây còn có khu vui chơi, trải nghiệm dành cho trẻ em, rộng rãi, thoáng mát với các dịch vụ ẩm thực, chèo thuyền, câu cá, đạp xe, cắm trại…

Những công trình xây dựng trái phép ngoài đê. Ảnh: Nguyễn Dịu
  • Những công trình xây dựng trái phép ngoài đê. Ảnh: Nguyễn Dịu

Được “hô biến” từ trại chăn nuôi

Ông Nguyễn Duy Miện - Chủ tịch xã Trường Thành cho biết: Khu du dịch Trường Thành đã hoạt động được một thời gian. Đây là phần đất mà chủ đầu tư thuê của UBND huyện An Lão để làm trang trại chăn nuôi tổng hợp, một phần thuê đất 5% của UBND xã để trồng cây và nuôi trồng thuỷ sản.

Tất cả các công trình xây dựng tại Trường Thành Farm là công trình trái phép trên phần đất thuê từ UBND huyện. Ông Miện cũng cho hay, những công trình vi phạm của chủ đầu tư đều đã được Hạt Quản lý đê điều lập biên bản, UBND xã cũng chỉ phối hợp xử lý và báo cáo UBND huyện vì việc này quá thẩm quyền của xã.

Theo tìm hiểu, tại Hợp đồng thuê đất số 06/HĐ-TĐ ngày 25/6/2010, UBND huyện An Lão cho ông Trần Văn Quang (thôn Thuỷ Giang, xã Trường Thành, huyện An Lão) thuê 36.040 m2 đất bãi ngoài đê hữu sông Lạch Tray tại thôn Thuỷ Giang, xã Trường Thành sử dụng vào mục đích xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp. Thời gian thuê đất được ghi trong hợp đồng là 20 năm từ tháng 6/2010 đến 6/2030, với mức giá thuê là 450 đồng/m2/năm.

Trước đó, ngày 23/6/2010, UBND huyện An Lão đã ra Quyết định số 601/QĐ-UBND về việc cho thuê đất để xây dựng trang trại tổng hợp đối với ông Trần Văn Quang. Tại Điều 2 của quyết định này nêu rõ, ông Trần Văn Quang có trách nhiệm thực hiện đúng mục đích sử dụng đất, đúng vị trí sơ đồ thửa đất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đê điều và Pháp lệnh phòng chống lụt bão, không xây dựng các công trình nhà ở, sinh hoạt hoặc phục vụ vào mục đích khác. Việc xây dựng các công trình phục vụ trang trại tổng hợp của dự án phải được sự đồng ý phê duyệt của UBND huyện.

Cùng thời gian đó, ông Quang được UBND xã Trường Thành ký hợp đồng cho thuê 1.843 m2 đất 5% (đất công ích của xã) với mục đích trồng cây và nuôi trồng thuỷ sản. Hợp đồng được ký thời hạn 5 năm và được ký nối tiếp đến 2020.

Sau khi được UBND huyện An Lão và UBND xã Trường Thành cho thuê đất, ông Quang không sử dụng đất như đúng hợp đồng với UBND huyện An Lão mà tiến hành cải tạo, xây dựng hàng loạt công trình không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.

Cụ thể, suốt từ năm 2010 đến thời điểm hiện tại, ông Quang tiến hành cải tạo đất, xây dựng những chuồng chăn nuôi, nhà chòi hình lục lăng, nhà trông coi, nhà ăn, nhà sàn bằng khung cột gỗ, xây trụ cổng… Điều đáng nói, mặc cho “cơn mưa” văn bản xử lý vi phạm của Hạt Quản lý đê điều Kiến An - An Lão những công trình vi phạm về Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đê điều tại đây mọc lên ngày một nhiều hơn.

Liệu rằng, UBND huyện An Lão có hay biết? Các cơ quan quản lý về hoạt động du lịch, văn hoá có nắm được? Vì sao, một công trình sinh thái xây dựng hoành tráng trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.