Cô giáo Mai Thị Thịnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non An Dương, thị trấn An Dương chia sẻ: Trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19, mặc dù trẻ được nghỉ học ở nhà nhưng các cô giáo vẫn thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ giáo dục, phòng chống dịch bệnh, sinh hoạt chuyên môn.
Trước khi có lệnh cách ly toàn xã hội, giáo viên nhà trường có mặt đầy đủ, tập trung sinh hoạt, bồi dưỡng chuyên môn, làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Song hành với công tác chuyên môn là công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tới phụ huynh học sinh. Từ 1/4/2020, theo chỉ đạo của các cấp ngành, nhà trường phân công giáo viên trực trường luân phiên, còn lại các cô làm công tác chuyên môn qua mạng Internet.
Qua hệ thống nhóm lớp trên Zalo, Facebook, giáo viên thường xuyên phối hợp cùng phụ huynh để nắm tình hình sức khỏe của trẻ, hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại gia đình trong thời gian trẻ nghỉ học phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Để tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức và hỗ trợ việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ tại gia đình trong thời gian nghỉ học kéo dài, Phòng GD&ĐT huyện An Dương ra Công văn số 35/PGDĐT- GDMN ngày 01/4/2020 về việc tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại gia đình và yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thực hiện.
Theo bà Phạm Thị Xuân Tươi, Phó phòng GD&ĐT huyện An Dương, đa số cơ sở giáo dục mầm non đã thực hiện tốt các nội dung tuyên truyền như: kỹ năng nuôi dưỡng, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý trong các bữa ăn của trẻ, giúp trẻ tăng cường đề kháng, nâng cao sức khỏe và khả năng chống đỡ bệnh tật nói chung và phòng chống dịch bệnh Covid-19 nói riêng.
Qua nhóm Zalo, giáo viên chủ nhiệm các lớp hướng dẫn phụ huynh cài đặt ứng dụng NCOVI, cung cấp thông tin y tế phòng chống dịch Covid- 19 hàng ngày cho trẻ. Đồng thời, các cô tuyên truyền nội dung về đảm bảo an toàn phòng tránh và xử lý một số tai nạn thương tích cho trẻ.
Giáo viên còn giới thiệu kênh thông tin tới phụ huynh để được hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ vui chơi, học tập; giới thiệu “Cẩm nang hỗ trợ cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non”; giới thiệu phụ huynh khai thác và sử dụng các phần mềm giáo dục trẻ (Kidsmary, Happy Kid, Bút chì thông minh, Bé học tiếng Anh, các bài giảng E-learning về GDMN...).
Bên cạnh đó, căn cứ vào nội dung chương trình giáo dục mầm non từng độ tuổi, giáo viên phối hợp với phụ huynh cho trẻ ôn luyện lại một số bài hát, câu chuyện, bài thơ, hình cơ bản, chữ số, khối hình, chữ cái, vẽ tranh, nặn, thể dục, kỹ năng tự phục vụ... mà trẻ đã được học.