Hai nữ chính trị gia, một cuộc chiến vì lợi ích quốc gia Anh - Pháp

Trong phiên tranh luận trực tiếp trên truyền hình, hai ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Marine Le Pen thẳng thắn xoáy sâu vào từng lập luận của đối phương

Thủ tướng Anh Theresa May
Thủ tướng Anh Theresa May

Trong phiên tranh luận trực tiếp trên truyền hình (diễn ra tối 3/5 giờ địa phương), hai ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Marine Le Pen thẳng thắn xoáy sâu vào từng lập luận của đối phương, soi rọi mọi ngóc ngách vấn đề với những màn công kích dữ dội.

Điều khiến bà Le Pen tự hào nhưng cũng là tử huyệt cho đối thủ phản biện chính là tinh thần “nhân danh người dân”, “nước Pháp trên hết”.

Cùng thời điểm này, Thủ tướng Anh Theresa May đang ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch vận động bầu cử, nhất quyết đoàn kết dân tộc trên tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Trước những nhận định không thiện cảm cùng điều kiện “ra giá” chèn ép nước Anh, nữ chính trị gia tuyên bố sẵn sàng thể hiện mình là người cứng rắn đến khắc nghiệt để đạt mục đích duy nhất: bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Chính trường châu Âu đang trong những ngày sôi động nhất. Người dân Pháp đếm lùi đến ngày 7/5 để chọn ra vị tổng thống đưa nước Pháp hòa mình thành công trong toàn cầu hóa hay bảo vệ quyền lợi thiết thực nhất của người lao động nước này.

Ứng cử viên Macron tấn công đối thủ bằng cách gọi bà Le Pen là nỗi lo sợ lớn nhất của nước Pháp. Ông chỉ trích bà Le Pen lấy lòng cử tri bằng cách hù dọa.

Bà Le Pen đáp lại bằng lời lẽ mạnh mẽ, thể hiện quan điểm cứng rắn mà bà theo đuổi trong suốt chiến dịch tranh cử: “Tôi sẽ bảo vệ những rào chắn quan trọng giữ lấy quyền lợi của người Pháp vì người dân đất nước này xứng đáng được như thế”.

Hai nu chinh tri gia, mot cuoc chien vi loi ich quoc gia Anh - Phap - Anh 2

Từ trái qua: Ứng cử viên Le Pen và ứng cử viên Macron

Vấn đề quan trọng mà hầu hết cử tri Pháp, đặc biệt là cử tri trẻ quan tâm là tỷ lệ thất nghiệp 25% của nước này, hệ quả của cú trượt dài suốt 30 năm qua. Ông Macron thấy rõ vấn đề và cam kết sẽ có giải pháp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo thêm nhiều việc làm.

Thế nhưng, câu chất vấn của bà Le Pen đã nhắm trúng vấn đề: “Ông đã làm gì ở giai đoạn đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Kinh tế?”. Rõ ràng, với tư tưởng mở cửa đón chào doanh nghiệp nước ngoài, ông Macron khi nắm quyền điều hành nền kinh tế đã không thể làm gì cho người lao động Pháp.

Vấn đề khủng hoảng lao động, bế tắc ở các vùng quê khiến nhiều trang trại phá sản bắt nguồn từ việc Pháp bị buộc vào thế khó ngay trên sân nhà vì những chính sách bảo hộ thương mại của EU.

Sau câu hỏi dành cho đối thủ, bà Le Pen một lần nữa nhấn mạnh quan điểm sẽ bảo vệ đến cùng việc làm cho người Pháp và bà nhắc đến khả năng có thể Pháp cũng tiến hành cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi EU.

Hai nu chinh tri gia, mot cuoc chien vi loi ich quoc gia Anh - Phap - Anh 3

Marine Le Pen

Trong cuộc chạy đua vào Điện Elyseé, bà Le Pen không kêu gọi nữ quyền. So kè với ứng cử viên Macron trẻ trung, năng động với chính sách lạc quan hấp dẫn, bà Le Pen đã ghi điểm bởi sự lão luyện, đầy kinh nghiệm và nêu vấn đề một cách trực diện.

Nếu ông Macron cam kết đầu tư giáo dục ở bậc tiểu học nhiều hơn nữa thì bà Le Pen chỉ rõ phải tăng tính hướng nghiệp trong hoạt động giảng dạy. Mục tiêu duy nhất là học để làm việc, cống hiến, không có chuyện học rồi thất nghiệp.

Nếu ông Macron lạc quan về khả năng kiểm soát, ngăn chặn hoạt động của các phần tử Hồi giáo cực đoan thì bà Le Pen có kế hoạch cụ thể siết chặt biên giới.

Khảo sát nhanh với một số người theo dõi cuộc tranh luận được chọn ngẫu nhiên cho thấy, 64% cho rằng ông Macron thể hiện tốt hơn. Thế nhưng, giới quan sát vẫn cho rằng đây là cuộc bầu cử khó đoán định nhất trong lịch sử nước Pháp.

Nếu so sánh với bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, trong khi các cuộc thăm dò đều thuận lợi với bà Hillary, nước Mỹ cuối cùng vẫn chọn tổng thống cam đoan chắc chắn quyền lợi của công dân nước mình.

Cùng ngày diễn ra phiên tranh luận ở Pháp, Quốc hội Anh chính thức giải tán để mở đường cho việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước hạn vào ngày 8/6. Động thái này đánh dấu sự mở đầu chính thức cho chiến dịch vận động tranh cử và Thủ tướng Theresa May chính là người chủ động đề xuất bước đi này.

Mục đích nhằm củng cố niềm tin của người dân, đồng thời tạo nên sự gắn kết vững chắc hơn của nước Anh trong tiến trình rút khỏi EU. Bà May muốn gửi thông điệp rõ ràng đến EU, đặc biệt là các quốc gia Bỉ, Đức, Pháp có tiếng nói chủ chốt trong tiến trình đàm phán Brexit, rằng bà đang có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ người dân và đó là yếu tố giúp bà tự tin, không lùi bước trong bất cứ cuộc mặc cả nào.

Chính thức xuất hiện với tâm thế bước vào tranh cử, việc đầu tiên bà May làm là công kích một số quan chức và chính trị gia thuộc EU. Không khoan nhượng, không mềm mỏng, bà May thách thức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Jean-Claude Juncker rằng ông sẽ là người tiếp theo nhìn thấy hình ảnh của một phụ nữ cứng rắn đến khắc nghiệt như thế nào.

Từ khi nhận lãnh nhiệm vụ đưa nước Anh thoát khỏi EU, bà May trong mắt nhiều cộng sự là người không thể lay chuyển. Bà nói: “Tôi chấp nhận những suy nghĩ không thiện cảm về mình. Tôi đang làm nhiệm vụ quốc gia và tôi chứng minh bằng hành động cụ thể, không chỉ qua những phép tắc xã giao thông thường”.

Nếu không cứng rắn, bà Theresa May sẽ khó lòng xoay chuyển “luật chơi” được EU áp đặt. Mới đây, EC nâng mức phí rời EU của Anh lên 100 tỷ EUR. Bà May ngay lập tức phủ nhận khoản phí này.

Còn nhớ, khi là vị nguyên thủ đầu tiên thăm Mỹ sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, bà May đã không quên nhấn mạnh với truyền thông: “Bất cứ thỏa thuận thương mại nào giữa Anh và Mỹ cũng đều phải đặt lợi ích, giá trị của London lên hàng đầu”.

Đó cũng là lý do Theresa May từng từ chối xoa dịu những lo ngại trong những công dân EU đang sinh sống tại Anh về các quyền trong tương lai của họ sau Brexit.

Là hai người phụ nữ châu Âu được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua, bà Marine Le Pen và bà Theresa May đều đang đứng trước một cuộc chiến giống nhau, đó là bằng mọi giá giữ lấy lợi ích quốc gia.

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ