Hai người đàn ông ở Bắc Giang tử vong do ngạt khí dưới giếng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 2 người đàn ông ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang tử vong do ngạt khí sau khi xuống giếng sâu.

Trong trường hợp gặp phải hiện trường có người nghi chết ngạt khí dưới giếng, người sau tuyệt đối không được xuống giếng ngay để cứu. Ảnh minh họa.
Trong trường hợp gặp phải hiện trường có người nghi chết ngạt khí dưới giếng, người sau tuyệt đối không được xuống giếng ngay để cứu. Ảnh minh họa.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận hai bệnh nhân ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang bị ngạt khí sau khi xuống giếng sâu. Anh A. xuống giếng sâu gần 10m để vệ sinh giếng, nhưng hồi lâu không thấy lên mặt đất.

Thấy vậy, anh X. (36 tuổi) và anh N. (45 tuổi) leo xuống giếng cứu nhưng phát hiện anh A. đã tử vong.

Lúc dưới giếng, anh X. và N. đều bị khó thở, choáng váng, nên được người dân kéo lên mặt đất để hô hấp nhân tạo tại chỗ, rồi sơ cứu tại y tế địa phương.

Hai người này sau đó được chuyển đến Khoa Hồi sức nội và chống độc Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108.

TS.BS Lê Lan Phương, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện TWQĐ 108, cho biết, trong môi trường giếng sâu, đặc biệt những giếng đạy nắp lâu ngày, ít sử dụng, những sản phẩm chuyển hóa của sự phân hủy các chất hữu cơ là các khí độc như metan (CH4), carbonic (CO2), carbon monoxide (CO) và hydro sulfide (H2S)… có tỉ trọng nặng hơn oxy, càng ở dưới sâu hàm lượng càng đậm đặc.

Cũng theo chuyên gia, các nạn nhân tử vong do thiếu oxy (O2) và hít phải các khí độc trên.

Ở những vùng có nhiều mỏ than, quặng dầu hay các bãi rác, chất thải nông nghiệp, những giếng sâu thường xuất hiện nhiều khí metan.

Đây là loại khí độc có thể làm một người tử vong nhanh chóng nếu đạt nồng độ cao. Người dân cần lưu ý khi có ý định xuống giếng sâu ở những khu vực này.

Bác sĩ Nguyễn Đức Lộc, Khoa Hồi sức nội và chống độc Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện TWQĐ 108, khuyến cáo, để phòng ngừa tai nạn ngạt khí dưới giếng sâu, người dân cần chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ, mặt nạ chống độc trước khi xuống giếng.

“Thông thường đại đa số người dân đều không có những vật dụng trên. Tuy nhiên, có thể khắc phục những vấn đề này bằng cách cắt một cành cây to, nhiều lá, buộc dây dài thả xuống dưới đáy giếng và rút lên rút xuống nhiều lần với mục đích làm thông thoáng khí đáy giếng.

Một cách tốt hơn là dùng máy sục khí oxy nguyên chất để bơm khí xuống giếng. Nên chuẩn bị một ống cao su vừa để dẫn khí từ trên mặt đất để hô hấp, vừa để báo tín hiệu cho người phía trên khi gặp sự cố”, bác sĩ Lộc hướng dẫn.

Người dân có thể thắp một ngọn nến hoặc ngọn đèn, thả dần xuống sát mặt nước dưới đáy giếng. Nếu ngọn nến vẫn cháy sáng bình thường là không khí dưới đáy giếng có đủ oxy để hô hấp. Nếu ngọn nến chỉ cháy leo lắt rồi tắt thì không nên xuống dưới giếng.

Người dân cũng có thể thả một con gà hoặc một con chim xuống gần sát mặt nước giếng, nếu con vật bị chết ngạt, tức dưới giếng có nhiều khí độc.

Trong trường hợp gặp phải hiện trường có người nghi chết ngạt khí dưới giếng, người sau tuyệt đối không được xuống giếng ngay để cứu. Cần gọi ngay Cảnh sát PCCC và CNCH để được hỗ trợ.

Nếu nạn nhân vẫn tỉnh, thả dây xuống giếng để kéo lên. Trường hợp nạn nhân đã hôn mê, cần chuẩn bị và kiểm tra an toàn trước khi quyết định xuống giếng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ