Hài hòa với mục tiêu chung

GD&TĐ - Chủ trương phân luồng học sinh sau THCS, THPT tại Việt Nam được quan tâm chỉ đạo, thực hiện nhiều năm nay.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Ngày 14/5/2018, Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” (ban hành theo Quyết định số 522/QĐ-TTg) được phê duyệt.

Đề án đưa ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 liên quan đến chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Thực hiện các Đề án, hầu hết cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh theo hướng mở; đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức; thực hiện giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Tỷ lệ trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu. Nhận thức về giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông từng bước cải thiện… Số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề tăng từ 8% giai đoạn 2011 - 2015 lên 15% giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, thực tiễn hơn 6 năm triển khai cho thấy, một số chỉ tiêu tại Đề án 522 khó thực hiện; đặc biệt là việc phấn đấu “ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp sơ cấp, trung cấp…”, “ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cao đẳng…”.

Trên thực tế, phần lớn tỉnh/thành có hơn 70% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, thậm chí có địa phương hơn 80%. Có tỉnh, học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học nghề chỉ đạt dưới 10%. Còn một tỷ lệ không nhỏ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia thị trường lao động mà không qua đào tạo.

Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều hạn chế. Nếu thực sự huy động được tỷ lệ 40% học sinh THCS, 45% học sinh THPT học trường nghề, các cơ sở này cũng khó đáp ứng. Bên cạnh đó, chỉ tiêu trên dường như mâu thuẫn với con số giáo dục đại học phấn đấu đạt 260 sinh viên/vạn dân đến năm 2030; tỷ lệ sinh viên đại học trong nhóm tuổi từ 18 đến 24 đạt 35% trong tổng dân số.

Theo chuyên gia, tỷ lệ 215 sinh viên/vạn dân của Việt Nam còn thấp so với khu vực và thấp hơn mức trung bình của các nước thuộc khối OECD. Từ năm 2005, Thái Lan đã có 374 sinh viên/vạn dân; tỉ lệ của Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 316 và 674 sinh viên/vạn dân. Tỷ lệ sinh viên đăng ký học so với tổng số người trong độ tuổi học đại học, cao đẳng năm 2021 của Việt Nam là 35,4%, thấp hơn Indonesia (36,3%), Thái Lan (43,8%), Malaysia (43,1%) hay Singapore (91,1%).

Hết năm 2025, Đề án 522 kết thúc sứ mệnh. Lãnh đạo ngành Giáo dục nhiều địa phương mong muốn đề án mới (nếu có) sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu liên quan đến học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.

Con số đưa ra cần hài hòa với mục tiêu chung của cả hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học; phù hợp hơn với nhu cầu học tập của học sinh, chỉ tiêu tuyển sinh và năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Làm sao để phân luồng học sinh thực sự là chủ trương nhân văn, tôn trọng tiềm năng cá nhân; định hướng cho học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, thiên hướng nghề nghiệp, điều kiện gia đình và nhu cầu thị trường lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ