Hai giáo viên 9X người dân tộc Cơ Tu ứng cử đại biểu Quốc hội

GD&TĐ - Trong danh sách 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội tại Quảng Nam, có 2 giáo viên 9X là người dân tộc thiểu số.

Cô giáo Arất Thị Thúy Nga – GV Trường PTDTNT THCS huyện Nam Giang.
Cô giáo Arất Thị Thúy Nga – GV Trường PTDTNT THCS huyện Nam Giang.

Tâm huyết với nghề nghiệp, tận tụy với HS, họ đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò ở khắp các bản làng xa xôi. 

“Cãi” lại bố mẹ để đi học

Tháng 6/2010, Zơrâm Duy vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng trước khi tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH vào Khoa Giáo dục chính trị (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng). Ngoài duy trì thành tích học tập khá giỏi, Duy còn tích cực tham gia các hoạt động của khoa, trường để xứng đáng là một thủ lĩnh Đoàn, một đảng viên trẻ. Không mấy ai biết rằng, suốt 4 năm đại học, để đủ tiền trang trải mọi chi phí, Duy gần như không có kỳ nghỉ hè nào.

“Cứ nghỉ hè là tôi xin đi làm phụ hồ. Từ KTX, đạp xe đến công trình cũng mất cả tiếng đồng hồ. 6 giờ sáng là đã phải rời KTX để còn kịp giờ làm. Trong năm học thì làm đủ thứ việc, phục vụ quán cà phê, chạy bàn… Công việc tuy nặng nhọc nhưng bù lại, tiền công nhận được giúp tôi lo được chi phí ăn học mà không phải xin gia đình hỗ trợ. Mà thực ra, có muốn xin thì bố mẹ cũng không có gì mà cho cả nên phải tự lực thôi” – thầy giáo Duy nhớ lại.

“Mình học đến đâu bố mẹ cũng không biết đâu, chỉ biết là con đang đi học thôi. Đến khi có quyết định tuyển dụng và nhận công tác tại Trường PTDT nội trú tỉnh Quảng Nam thì cả gia đình mới biết. Nhà có 6 anh chị em, bố mẹ chỉ làm rẫy, đi rừng nên việc học các con phải tự lo cả. Cũng không ít lần, bố bảo nghỉ học để ở nhà phụ bố đi rừng. Mình phải năn nỉ, thuyết phục mãi thì bố mới thôi” – Duy kể.

Lợi thế của Zơrâm Duy chính là được giảng dạy tại nơi mình đã từng gắn bó học tập. Am hiểu tâm lý học trò, vì cùng là con em đồng bào, nên khi đảm nhận dạy học môn Giáo dục công dân tại Trường PTDT nội trú tỉnh Quảng Nam, Duy rất đầu tư cho công tác định hướng nghề nghiệp cho HS.

Tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, như Zơrâm Duy chia sẻ, là “niềm vinh dự cho bản thân và cả bà con thôn bản, được có cơ hội bày tỏ nguyện vọng cũng như đóng góp vào công cuộc phát triển của đất nước”. Theo thầy giáo Zơrâm Duy, một trong những trọng trách của Trường PTDT nội trú tỉnh là góp phần tạo nguồn lực cán bộ cho các địa phương miền núi nên công tác phân luồng, hướng nghiệp cho HS là rất quan trọng. “Nhìn rộng ra, các chính sách trong phân luồng, hướng nghiệp cho HS phải được đẩy mạnh. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trường lớp ở các địa phương vùng núi cao hiện nay đã được đầu tư rất tốt theo hướng kiên cố hóa.

Tuy nhiên, các trang thiết bị, phương tiện vui chơi cho HS gần như không có gì. Vì vậy, tôi rất mong muốn được cải thiện hơn nữa các điều kiện vui chơi cho HS vùng đồng bào dân tộc để góp phần hình thành các kỹ năng mềm cho các em” – thầy Duy bày tỏ.

Thầy giáo Zơrâm Duy - Phó Bí thư Đoàn Trường Phổ thông DTNT tỉnh Quảng Nam (đứng thứ 2 từ phải qua, hàng thứ nhì).
Thầy giáo Zơrâm Duy - Phó Bí thư Đoàn Trường Phổ thông DTNT tỉnh Quảng Nam (đứng thứ 2 từ phải qua, hàng thứ nhì). 

Trăn trở về việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp

Cô giáo Ngữ văn Arất Thị Thúy Nga (SN 1994) đang dạy học tại Trường PTDTNT THCS huyện Nam Giang. Cô Nga cho biết, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, các chế độ, chính sách ưu tiên cho HS là con em đồng bào dân tộc cũng được nâng cao.

“So với ngày xưa khi mình đang là HS thì bây giờ, điều kiện sinh hoạt của HS đã rất tốt, chất lượng bữa ăn của HS nội trú được nâng cao. Trong chế độ hỗ trợ của HS còn có cả sinh hoạt phí, quần áo, giày dép cũng được trang bị” – cô Nga nhận xét.

Trong chương trình hành động của mình, cô Nga quan tâm đến các chính sách đối với đội ngũ giáo viên để thu hút HS giỏi theo nghề sư phạm cũng như tạo động lực cống hiến cho đội ngũ nhà giáo. Giải quyết việc làm cho HS, SV sau khi tốt nghiệp cũng là mối quan tâm của cô giáo Nga. Đặc biệt, xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội cũng như hiểu về tập tục sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, cô Arất Thị Thúy Nga cũng dành nhiều nội dung về bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em.

“Chính sách về bình đẳng giới, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em thì đã có. Nhưng làm sao để có hình thức tuyên truyền cho phụ nữ và trẻ em, nhất là ở vùng đồng bào, hiểu được quyền của mình để thực hiện tốt thì vẫn còn nhiều điều phải làm” – cô Nga trăn trở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ