Hải Dương: Chủ động điều chỉnh thời gian xét tốt nghiệp THCS cho học sinh lớp 9

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Hải Dương đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT các địa phương, hướng dẫn các trường THCS hoàn thành tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh lớp 6, tổng hợp số liệu đăng ký dự tuyển, báo cáo phòng trước ngày 15/6.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, đối tượng tuyển sinh vào lớp 6 THCS năm học 2021-2022 là học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học, đúng độ tuổi quy định là 11 tuổi.

Sở yêu cầu, những trường hợp học sinh quá tuổi hoặc trường hợp khác ngoài quy định, các trường phải báo cáo về Phòng GD&ĐT để giải quyết. Đối với khối dân tộc nội trú của Trường THCS Nguyễn Trãi (TP Chí Linh), Phòng GD&ĐT TP Chí Linh báo cáo UBND thành phố phê duyệt phương án, tiêu chí tuyển sinh cụ thể để thực hiện tuyển sinh đúng đối tượng quy định.

Các trường hợp đặc biệt khác có liên quan đến chuyển vùng, chuyển tuyến, Phòng GD&ĐT cấp huyện chủ động giải quyết.

Việc tuyển sinh lớp 6 THCS năm nay tiếp tục được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Những trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, Phòng GD&ĐT cấp huyện tổ chức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Bài kiểm tra năng lực phải gồm kiến thức hai môn toán và tiếng Việt, theo hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận (thời gian làm bài 60 phút).

Các trường hoàn thành tuyển sinh lớp 6 trước ngày 6/7. Phòng GD&ĐT cấp huyện phê duyệt kết quả tuyển sinh của từng trường THCS thuộc địa bàn quản lý, tổng hợp kết quả, báo cáo về Sở trước ngày 16/7.

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các trường THCS chủ động, linh hoạt điều chỉnh thời gian xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 9 phù hợp với thực tế. Đơn vị nào đủ điều kiện, có thể tổ chức xét tốt nghiệp sớm hơn theo kế hoạch.

Hoạt động dạy học trực tuyến, theo quy định trong Thông tư của Bộ GD&ĐT Quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề theo CTGDPT, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.

Hoạt động này có thể hỗ trợ dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện một phần nội dung bài học hoặc chủ đề theo CTGDPT để hỗ trợ dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó. Dạy học trực tuyến cũng có thể thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề theo CTGDPT để thay thế dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề này.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.

Tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên thực hiện các hoạt động chính như: tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh.

Học sinh học tập trực tuyến thực hiện các hoạt động chính như: tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ chức; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên; khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đối với giáo viên và các học sinh khác.

Tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống Covid-19, Bộ GDĐT yêu cầu các Giám đốc các Sở GDĐT, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nội dung Công điện số 541/CĐTTg ngày 23/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuyệt đối không chủ quan, lơi lỏng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở địa phương để nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong trường học.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.