Ngày Tết, số ca trẻ cấp cứu do hóc dị vật đường thở thường tăng đột biến so với các ngày thường.
Thạc sĩ - bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong đó có nhiều ca trẻ bị hóc dị vật là đồ ăn trong dịp Tết. Thường đây là những món đồ trẻ rất thích, tò mò bỏ vào miệng và gây hóc.
Ngày Tết có quá nhiều món ăn "sát thủ" để trong tầm tay của trẻ. Ảnh minh họa.
"Dị vật dù cứng hay dị vật mềm đều rất nguy hiểm bởi chúng có thể bít chặt khí quản, gây xẹp phổi, suy hô hấp, ngừng thở, thậm chí là tử vong nhanh chóng", Bác sĩ Ngô Anh Vinh cảnh báo.
Theo đó, nếu trẻ đang chơi đùa linh hoạt mà đột ngột ho sặc sụa, khó thở và tím tái, bố mẹ phải nghĩ ngay đến trường hợp trẻ bị mắc dị vật đường thở.
Cấp cứu trẻ ngay tại nhà là việc vô cùng quan trọng để cứu sống trẻ.
Nếu trẻ ho nhưng vẫn tỉnh táo, không khó thở, không tím tái thì có nghĩa là đường thở chỉ bị tắc nghẽn một phần. Khi nhận ra những dấu hiệu này, cha mẹ cần phải thực hiện sơ cứu kịp thời và đúng cách với từng độ tuổi, trước khi gọi cấp cứu hoặc đưa tới cơ sở y tế gần nhất.
Bước 1: Khuyến khích trẻ ho
Trong trường hợp đường thở của trẻ chỉ bị tắc nghẽn một phần, nếu trẻ đủ hiểu hãy khuyến khích trẻ ho mạnh để tống dị vật ra ngoài.
Bước 2: Vỗ lưng
Đặt trẻ nầm sấp trên đùi người lớn, đầu thấp.
Dùng gót bàn tay vỗ dứt khoát lên lưng của trẻ tại vị trí giữa hai bả vai.
Vỗ lưng 5 lần.
Đỡ đầu và cổ trẻ cùng một lúc...
Tư thế vỗ lưng 5 lần. Ảnh minh họa.
Bước 3: Ấn ngực
Nếu dị vật vẫn không bật ra ngoài được thì thực hiện kỹ thuật ấn ngực.
Cho trẻ nằm ngửa trên đùi, đầu thấp.
Đặt hai hoặc ba ngón tay lên trung tâm của ngực trẻ.
Ấn lõm ngực trẻ xuống khoảng 3,8 cm. Để cho thành ngực trẻ trở về vị trí bình thường trước khi thực hiện lại cho đủ 5 lần. Động tác ấn ngực dứt khoát, không giật.
Tư thế ấn ngực trẻ. Ảnh minh họa.
Sau khi thực hiện các động tác cấp cứu trên, nếu trẻ ho bật được dị vật ra ngoài, thở được, da hồng hào trở lại thì theo dõi tiếp tại nhà.
Nếu trẻ không ho được dị vật hoặc có bất cứ bất thường nào, bố mẹ cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
“Tuyệt đối không thò tay móc họng trẻ theo phản xạ. Bởi vì có thể làm dị vật xâm nhập sâu vào đường thở và làm cho trẻ suy hô hấp nặng hơn”, Bác sĩ Ngô Anh Vinh khuyến cáo.