Địa điểm phát hiện tấm bia đá cổ nằm trước khuôn viên của ngôi nhà bỏ hoang dưới chân đê La Giang về phía nam, cách trụ sở UBND xã Đức Nhân 500m về hướng bắc, thuộc thôn Khang Ninh, xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Theo người dân địa phương cho biết, nơi đây trước kia là nhà Văn Thánh của xã, nay đã bị hư hỏng, hiện nay tấm bia được đặt trước khuôn viên của hai dãy nhà cổ đã bị xuống cấp. Từ trước tới nay cư dân bản địa thường gọi là bia Văn thánh.
Tấm bia là khối đá thành màu xanh đen nguyên khối gồm 4 mặt hình chữ nhật, bao gồm: Bệ bia, thân bia và trán bia. Bệ bia có kích thước cao 27cm, rộng 58cm, dài 97cm. Thân bia cao 98cm, rộng 68cm, dày 3cm, trán bia cao 48cm. Xung quanh diềm bia được trang trí các hoạ tiết hoa văn hình dắc cách điệu, đầu trán bia hình mái vồ vuốt lên đỉnh đầu bìa. Bốn mặt bìa, mặt trước, sau và hai bên đều khắc chữ Hán cổ còn nguyên vẹn rõ và sắc nét.
Qua khảo sát nghiên cứu bước đầu, nội dung mặt trước thân bia ghi danh những người đỗ đại khoa trong làng tổng xưa thời Lê như, Tiến Sỹ và các bậc danh khoa của làng xã được ghi danh và thờ phụng tại Văn thánh nhằm coi trọng truyền thống tôn sư trọng đạo của nền giáo dục khoa cử nho học dưới thời Lê. Mặt trên trán bia được khắc nổi 4 chữ Hán cổ: Tạo thánh vũ bi.
Mặt sau thân bia ghi niên đại xây dựng văn bia: Vĩnh Hựu nguyên niên tạo tác (niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ nhất, dưới triều vua Lê Ý Tông 1735-1740) thời hậu Lê. Nội dung hai mặt bên văn bia tạo khắc các khoản đóng góp Hưng công của làng xã về vật chất, đất đai hương hoả để xây dựng văn thánh để khói hương thờ phụng quanh năm của làng xã dưới triều Lê.
Đây là tấm văn bia đá cổ thời Lê quý hiếm hiện nay còn tồn tại hầu như rất hiếm trên vùng đất Hà Tĩnh, là một loại hình tư liệu Hán Nôm có giá trị lịch sử cao trong việc góp phần nghiên cứu các tư liệu cổ về làng xã xưa, đồng thời nhằm phục vụ cho việc xuất bản cuốn sách: Văn bia Hà Tĩnh tập 2, nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn các giá trị di sản Hán Nôm cổ trên vùng đất Hà Tĩnh của giai đoạn lịch sử thời kỳ hậu Lê.