Năm nay, Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Thạch Hà) có 380 học sinh lớp 12 nhưng chỉ có 95 em đăng ký thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (KHTN), chiếm tỷ lệ 25%. Tương tự, Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc) năm nay có 504 học sinh đăng ký dự thi thì có 369 em đăng ký thi tổ hợp KHXH, chiếm tỷ lệ 73,21%.
Thầy Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc) cho biết: Sở dĩ thí sinh lựa chọn bài thi KHXH bởi theo nhìn nhận của các em thì các môn thi của bài thi KHXH là Sử, Địa lý, Giáo dục công dân tương đối gần gũi với cuộc sống, có thể suy luận tình huống, suy đoán đáp án. “Những học sinh chưa thật sự vững về kiến thức các môn KHTN thường có xu hướng chọn bài thi KHXH để “thoát” điểm liệt để đạt được mục đích tốt nghiệp” - thầy Sơn nhấn mạnh.
Theo phân tích của các giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh, nhìn vào phổ điểm thi các năm trước, nhiều học sinh lựa chọn môn KHXH vì tính thực tế. Đặc biệt, trong số đó, môn Giáo dục công dân được xem là môn cứu điểm cho học sinh bởi phổ điểm trung bình của bộ môn này cao hơn rất nhiều so với môn Lịch sử và Địa lý. “Hơn nữa, việc lựa chọn bài thi KHXH cũng sẽ giúp các em có nhiều thời gian hơn để đầu tư vào các môn mà các em lựa chọn để xét tuyển đại học như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ” – một thầy giáo tại Trường THPT Phan Đình Phùng nói.
Ngoài ra, theo nhìn nhận chung, năm 2019 thí sinh đăng ký bài thi KHXH nhiều không hẳn do các em thích các môn học này mà chỉ dùng để xét tốt nghiệp THPT, việc xét tuyển đại học các em sẽ dùng tổ hợp môn thi khác để giảm áp lực ôn tập. Một nhìn nhận khác, một số giáo viên có nhiều năm ôn tập cho học sinh lớp 12, Trường THPT Can Lộc (Hà Tĩnh) cũng cho rằng, nếu nhìn vào phổ điểm thi THPT quốc gia các năm trước, việc nhiều học sinh lựa chọn môn KHXH cũng là lựa chọn thực tế và thông minh.
Cô Lê Thị Thu Trang, giáo viên bộ môn Giáo dục Công dân, Trường THPT Phúc Trạch (Hương Khê) cũng cho biết: “Trước đây, Giáo dục công dân được xem là môn phụ thì nay lại được học sinh quan tâm và xem là môn cứu điểm trong tổ hợp KHXH bởi đây là môn gắn liền với thực tiễn cuộc sống học sinh bằng những tình huống cụ thể hay những sự việc đang diễn ra hàng ngày”.
“Để giúp thí sinh “ăn” điểm ở bộ môn này, thời gian qua, ngoài việc phân nhóm học sinh theo năng lực, ôn luyện bám sát, tôi còn lấy ý kiến học sinh trên trang Facebook cá nhân về mong muốn được cập nhật bổ sung kiến thức để từ đó giảng dạy, ôn tập điều học sinh cần. Ngoài ra, việc cập nhật kiến thức cho các em cũng hết sức linh hoạt và liên hệ những tình huống thực tế để các em cũng cố những kiến thức, hiểu biết về pháp luật” – cô Thu Trang cho hay.
Lịch sử được xem là bộ môn khó nhất trong tổ hợp bộ môn KHXH. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều giáo viên bộ môn, đề thi thử Lịch sử năm nay của Bộ GD&ĐT không đánh đố thí sinh, có xu hướng an toàn hơn và tỷ lệ các câu hỏi khó đã giảm 15%. Tỷ lệ câu hỏi nằm trong phần kiến thức lớp 12 chiếm gần 90%. Các câu hỏi thuộc chương trình kiến thức lớp 11 chủ yếu ở mức độ nhận biết; thông hiểu và vận dụng, không có câu hỏi vận dụng cao.
Ngoài ra, một lý do khác khiến tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp KHXH tăng so với các năm trước là vì năm nay, Bộ GD&ĐT đã thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp. Trong đó, điểm thi chiếm tỷ trọng 75% và điểm học bạ chiếm 25% nên thí sinh cũng phải tính toán để đảm bảo an toàn cho mục tiêu tốt nghiệp.