Hà Tĩnh một năm triển khai Chương trình mới: Thành quả và tồn tại

GD&TĐ - Sáng 20/8, Bộ GD&ĐT và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết một năm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ông Lê Ngọc Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì buổi họp trực tuyến.
Ông Lê Ngọc Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì buổi họp trực tuyến.

Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì cuộc họp cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành địa phương.

Học sinh tự tin, giáo viên hào hứng

Sau một năm thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 ở Hà Tĩnh diễn ra trong điều kiện địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của những trận lũ lớn và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự nỗ lực, quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và sự đồng hành của cha mẹ học sinh, việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 tại Hà Tĩnh đã thành công.

Trong đó, việc triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt kết quả bước đầu rất tốt. Mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại trường qua mạng với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường đại học sư phạm tham gia.

Tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Riêng với lớp 1, có 849 phòng học/849 lớp. Trong đó: phòng học kiên cố có 815 phòng (tỉ lệ 96%); phòng học cấp 4: 34 phòng (tỉ lệ 4%). 100% phòng học lớp 1 có Smart TV hoặc máy chiếu, trong đó Smart TV có 820 cái; máy chiếu có 155 cái; thiết bị khác có 166 cái.

Về đồ dùng dạy học giáo viên có 959 bộ, đồ dùng học sinh: môn Tiếng Việt: 25.338 bộ, môn Toán: 25.338 bộ, đồ dùng khác: 1.596 bộ.

Cái được nhất 1 năm qua trong việc thực hiện Chương trình GDPT mới là học sinh tự tin, giáo viên hào hứng, xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Kết thúc năm học, toàn tỉnh có 97,9% học sinh lớp 1 hoàn thành chương trình lớp học.

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn, như: Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều; cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý; các trường tiểu học cơ bản thiếu và chưa có giáo viên các môn chuyên như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở nhiều đơn vị trường còn thiếu và chưa đồng bộ (thiếu phòng chức năng, phòng học bộ môn: Thể chất, nghệ thuật, ngoại ngữ…)

Do điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư và huy động xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học còn hạn hẹp. Hàng năm, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai, bão, lũ đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học.

Tiếp tục đổi mới giáo dục trong điều kiện mới

Công tác chuẩn bị Chương trình GDPT 2018 trong năm học mới, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diến biến phức tạp, đây được xem là nhiệm vụ chính, quan trọng của ngành giáo dục. Cơ hội để ngành tiếp tục thực hiện sắp xếp hợp lý hệ thống các trường phổ thông; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học kiên cố, hiện đại; xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đảm bảo chất lượng; nâng cao chất lượng giáo dục.

Đối với đội ngũ giáo viên, tiếp tục tuyển dụng giáo viên còn thiếu hàng năm đối với các cấp học; biệt phái giáo viên giáo viên tiểu học, THCS, THPT từ đơn vị thừa đến đơn vị thiếu; giao chỉ tiêu biên chế đội ngũ viên chức quản lý, hỗ trợ phục vụ, giáo viên theo cơ cấu bộ môn cấp tiểu học, THCS, THPT, trong đó cơ cấu môn học đã tính toán tỉ lệ theo hướng dẫn tiếp cận, chuẩn bị đội ngũ giáo viên triển khai Chương trình GDPT năm 2018.

Buổi họp trực tuyến.
Buổi họp trực tuyến.

Xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt có một đội ngũ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ, tâm huyết, chủ động, sáng tạo; đủ phẩm chất năng lực đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018.

Về cơ sở vật chất, tiếp tục xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới; giao trách nhiệm cho các cấp chính quyền, cơ sở giáo dục đối chiếu với yêu cầu cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện Chương trình GDPT 2018 rà soát, xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện.

Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách để triển khai Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả. Đồng thời, rà soát, tham mưu với UBND các địa phương trong tỉnh đầu tư xây dựng, bổ sung các lớp học, phòng chức năng, phòng bộ môn. Ngoài ra, điều chỉnh và mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường để thực hiện Chương trình GDPT 2018 (bổ sung cho các lớp 1, mua mới cho lớp 2).

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo quy định. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh...

Dịp này, Hà Tĩnh đề nghị Bộ GD&ĐT trình Chính phủ bố trí kinh phí thuộc ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương chưa cân đối được chi thường xuyên để thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017-2025. Tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2021-2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ