Hà Tĩnh: Công trình chậm tiến độ “bẫy” người tham gia giao thông

GD&TĐ - Dự án nâng cấp, mở rộng đường dân sinh ở xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2021.

Đoạn đường thi công gây nguy hiểm cho người dân mỗi khi qua lại.
Đoạn đường thi công gây nguy hiểm cho người dân mỗi khi qua lại.

Đã quá thời hạn 1 năm nhưng tuyến đường này vẫn chưa thể bàn giao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Dự án “bẫy” người tham gia giao thông

Để chạy qua con dốc Kẻ Nhoát (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) ông Dương Xuân Tịnh (thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân) phải nói vợ xuống xe rồi mới cẩn trọng về số để vượt qua đoạn đường với vô số ổ trâu, ổ gà.

Mỗi lần đi qua đoạn đường này, người dân địa phương vô cùng thận trọng, bởi chỉ lơ là cả người và phương tiện dễ lao xuống các “bẫy” được giăng sẵn bên đường. Những “chiếc bẫy” này do bên đơn vị thi công đào để làm dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐH.136 đoạn Km3+500÷Km5+600 (từ đường bộ ven biển đến đường tuần tra ven biển), đoạn qua xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Dự án được UBND huyện Kỳ Anh phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 10/9/2019; điều chỉnh tại quyết định số 3606, ngày 25/10/2019; phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng tại quyết định 3644, ngày 30/10/2019, với tổng mức đầu tư 9 tỷ đồng.

Đây là con đường ngắn nhất để hơn 800 hộ dân các thôn Lê Lợi, Cao Thắng, Sơn Thắng đến trung tâm hành chính xã Kỳ Xuân. Và cũng là đoạn đường huyết mạch nối đường bộ ven biển đến đường tuần tra ven biển. Ngoài ra, đây còn là đoạn đường dẫn đến khu du lịch biển Kỳ Xuân, nối liền với xã Kỳ Bắc…

“Đoạn đường này rất khó đi. Xe máy đi lại rất khó khăn, ô tô thì phải xe gầm cao mới đi được. Vào những ngày trời mưa, đường vừa trơn, nước đọng, đá chắn ngang đường. Người dân không dám đi qua, chúng tôi đành phải đi đường vòng xa hơn khoảng 3km”, ông Thịnh cho hay.

Cũng theo người dân phản ánh, quá trình thi công, đoạn đường nào không thể lưu thông nhà thầu mới lập rào chắn, yêu cầu người dân đi đường khác. Còn tại dốc Kẻ Nhoát, nhiều chướng ngại vật hai bên đường nhưng đơn vị thi công không lập rào chắn để cảnh báo.

Cả đoạn đường này chỉ có duy nhất một biển báo nhưng được đặt vào sát một bên đường, khuất tầm nhìn. Ngoài ra, ban đêm nhà thầu không lắp đèn cảnh báo, khiến nhiều phương tiện dễ gặp nguy hiểm khi lưu thông.

Đã được điều chỉnh phương án

Theo tìm hiểu của Phóng viên, Nhà thầu thi công dự án là Công ty TNHH xây dựng và thương mại Sông Hội (thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Tư vấn giám sát là Công ty CP thương mại và dịch vụ xây dựng Long Tân (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).

Dự án dự  kiến bố trí nguồn vốn từ ngân sách huyện trong 2 năm 2020, 2021. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp một số vướng mắc nên tháng 9/2020, Chủ đầu tư đề nghị Thường trực huyện ủy, HĐND huyện Kỳ Anh bố trí thêm kinh phí, nâng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 9,6 tỷ đồng (tăng khoảng 605 triệu đồng).

Theo ông Nguyễn Đình Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, thời điểm khảo sát, địa chất tại đoạn dốc Kẻ Nhoát trước đây là đá mồ côi. Các phương tiện máy móc vẫn múc bình thường nhưng khi hạ độ dốc lại là đá giàn, phía huyện phải điều chỉnh phương án.

Theo đó, tại Tờ trình số 138/TTr-UBND của UBND huyện Kỳ Anh cũng nêu rõ: Quá trình triển khai thực hiện dự án gặp một số khó khăn vướng mắc do giai đoạn chuyển tiếp thực hiện giữa Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 và Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, theo đó các Thông tư hướng dẫn chưa kịp thời ban hành, các định mức, đơn giá chưa đầy đủ nên tiến độ thực hiện dự án chậm.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân xác nhận việc người dân địa phương nhiều lần phản ánh, kiến nghị về việc đi lại khó khăn, mất an toàn tại đoạn đường đang thi công dang dở. UBND Kỳ Xuân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp ngành về sự việc này.

“Trong thời gian thi công, chúng tôi đã nhiều lần huy động lực lượng để đổ bây, san đường để người dân tạm thời qua lại, nhưng chỉ được thời gian ngắn, mưa xuống là cuốn trôi đi hết.

Về biển cảnh báo, chúng tôi đã nhắc nhở nhà thầu làm biển tránh tai nạn nguy hiểm cho người dân. Thế nhưng, hiện tại một số đoạn đường vẫn thiếu có biển, dây, đèn cảnh báo nguy hiểm theo đúng quy định”, ông Hào nói.

“Chúng tôi yêu cầu nhà thầu thi công phải lắp biển cảnh báo đúng quy định. Một mặt hướng dẫn người dân đi đường khác nếu không thể lưu thông hoặc đoạn đường nào nguy hiểm phải căng dây cảnh báo. Tuy nhiên, sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán đã bị mất các đoạn dây cảnh báo”, ông Hào cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.