Cụ thể tại 5 điểm sẽ được xử lý trước bao gồm: Nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa). Nút giao thông này, Sở sẽ điều chỉnh phương án tổ chức giao thông, đồng thời tăng cường các lực lượng hướng dẫn giao thông.
Tiếp theo là cầu Mọc (quận Thanh Xuân), nơi có lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên gây xung đột và ùn tắc. Điểm giao thông này Hà Nội sẽ nghiên cứu tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu.
Với điểm Nguyễn Khang - cầu 361 (quận Cầu Giấy) sẽ được tổ chức giao thông lại bằng đèn tín hiệu hai đầu cầu phía đường Láng và đường Nguyễn Khang. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh để tối ưu hóa nút đèn, rà soát tổ chức tổng thể trên tuyến đường Láng.
Đối với điểm phía Bắc cầu Chương Dương (quận Long Biên), sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực đền Ghềnh - đê Bát Tràng. Đồng thời tận dụng hệ thống đường 40m giao với đường Nguyễn Văn Cừ nhằm giảm xung đột khu vực nút giao. Cùng đó sẽ nghiên cứu điều tiết, phân luồng các phương tiện giao thông qua cầu.
Cuối cùng là điểm ùn tắc khu đầu các ngõ 80, 82, 84 Chùa Láng (quận Đống Đa) cũng sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông và tăng cường lực lượng phân luồng giao thông.
Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra các điểm ùn tắc trên để đánh giá và có biện pháp xử lý dứt điểm ùn tắc, giúp người dân và phương tiện di chuyển thuận lợi hơn.
Song song với việc lập phương án xử lý dứt điểm các “điểm đen” dẫn tới ùn tắc giao thông trên, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục thực hiện việc xén dải phân cách, mở rộng lòng đường, giảm ùn tắc giao thông tại đường Vành đai 3 (đoạn nút Giải Phóng - Pháp Vân).
Theo lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội), đây là một trong các dự án thuộc chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội. Bởi tại nút giao Giải Phóng - Pháp Vân kết nối cửa ngõ phía Nam Hà Nội với các trục giao thông, hạ tầng giao thông tại đây nhiều năm qua đã quá tải dẫn đến ùn tắc.