Hà Nội xem xét phương án xây dựng sân bay thứ hai

GD&TĐ - Địa điểm xây dựng sân bay thứ hai của Hà Nội dự kiến chiếm đất 4 xã của các huyện Thanh Oai, Thường Tín hoặc 5 xã của huyện Ứng Hòa.

Máy bay tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Đăng Chung
Máy bay tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Đăng Chung

Bảo đảm liên kết vùng

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo tờ trình, Hà Nội đưa ra nhiều nội dung trong định hướng phát triển không gian toàn đô thị với đô thị trung tâm. Đáng chú ý, thành phố nêu các vị trí dự kiến xây dựng sân bay thứ hai.

Hà Nội xác định cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cửa ngõ quan trọng nhất trong giao lưu quốc tế của miền Bắc và Thủ đô. Đến năm 2023, cảng có lưu lượng thông qua là 60 triệu hành khách mỗi năm, diện tích khoảng 1.500 ha. Sau năm 2030 lên đến 100 triệu khách mỗi năm, diện tích 2.200 ha, mở rộng về phía Nam.

Với sân bay thứ hai, dự kiến nằm ở phía Nam, Đông Nam là cảng nội địa công suất 30 - 50 triệu khách một năm, diện tích 1.300 -1.500 ha.

Hà Nội đưa ra hai phương án để xây dựng sân bay thứ hai. Phương án 1, sân bay có diện tích 1.300 ha thuộc địa bàn của 4 xã (Tân Ước, Thanh Vân của huyện Thanh Oai; Tiền Phong, Tân Minh của huyện Thường Tín). Khi xây dựng sẽ giải phóng mặt bằng 2 khu dân cư xã Thanh Vân với hơn 52 ha và khoảng 5.000 người ảnh hưởng. Đường điện 500 kV cũng phải di chuyển khỏi ranh giới sân bay.

Ưu điểm của phương án trên là khoảng cách vào trung tâm thành phố 20 - 30 km, gần đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 21B, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đồng thời, sân bay này sẽ gần đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường sắt đô thị tuyến 2A, tuyến số 1 kéo dài.

Tuy nhiên, nếu chọn phương án này sẽ gặp phải một số nội dung cần giải quyết như việc có thể phải điều chỉnh hướng tuyến của đường trục kinh tế phía Nam. Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt đô thị từ ga Hà Đông đi qua sân bay mới để kết nối trung tâm đô thị vệ tinh Phú Xuyên.

Với phương án 2 là khu vực thuộc địa bàn 5 xã (Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Đường và Hòa Lâm) thuộc huyện Ứng Hòa. Sau khi xây dựng sân bay có diện tích 1.700 ha, dân số bị ảnh hưởng khoảng 10.000 người.

Ưu điểm của phương án 2 là có trục không gian phía Nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay. Tuy nhiên, nếu chọn vị trí này sẽ phải bổ sung tuyến đường sắt đô thị nối ga Hà Đông đến sân bay khoảng 32 km và di chuyển đường điện 500 kV ra khỏi ranh giới sân bay.

Đồng thời, quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) sẽ chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn.

Cần thiết có thêm sân bay?

Với mong muốn sân bay thứ hai của Hà Nội là sân bay quốc tế, tại tờ trình, UBND TP Hà Nội lưu ý cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô là cảng hàng không nội địa, nhưng đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi sang phục vụ cảng hàng không quốc tế khi cần thiết.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với Báo GD&TĐ, TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nhấn mạnh, đối với Vùng Thủ đô rất cần thêm một sân bay nữa ngoài sân bay hiện hữu.

Theo TS.KTS Trương Văn Quảng, Hà Nội đang triển khai quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội và điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội. Trước đây, thành phố có đề xuất về việc cần thiết có sân bay thứ hai của Vùng Thủ đô Hà Nội. “Hiện việc trình HĐND TP Hà Nội sẽ cụ thể hóa ở trong các đồ án quy hoạch của Thủ đô...”, TS.KTS Trương Văn Quảng nói.

Theo kế hoạch, tờ trình sẽ được HĐND TP Hà Nội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 7. Với mong muốn sân bay thứ hai của Thủ đô là sân bay quốc tế, tại tờ trình, UBND TP Hà Nội lưu ý cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô là cảng hàng không nội địa, nhưng đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi sang phục vụ quốc tế khi cần thiết.

Sáng 3/7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã họp Kỳ thứ 12. Kỳ họp dự kiến tổ chức trong 4 ngày (3/7 - 6/7) để xem xét, thông qua 43 nội dung, gồm 21 báo cáo và 22 nghị quyết.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, tại kỳ họp nhiều nội dung quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như: Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch năm 2023, định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2024; phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương các dự án đầu tư công.

Bên cạnh đó là những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố đến năm 2030; định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đề án thành lập quận Đông Anh; miễn giảm phí, lệ phí cùng các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa thể thao và các nội dung quan trọng khác.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016, có nghiên cứu 4 phương án. Cụ thể, sân bay tại khu vực huyện Lý Nhân (Hà Nam), cách trung tâm Hà Nội 60 - 65 km. Sân bay tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 - 40 km. Sân bay tại huyện Thanh Miện và Bình Giang (Hải Dương), cách trung tâm Hà Nội khoảng 45 - 50 km. Và sân bay tại huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 km. Như vậy, trong các nghiên cứu trước đây đã có phương án dự kiến bố trí sân bay thứ hai cho Hà Nội tại khu vực phía Nam thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ