Để có một không khí chợ Tết mà không giống bất cứ đâu, Hà Nội đã phải âm thầm chuẩn bị từ trước hàng tháng trời.
Để ý ngay từ tháng 8, tháng 9 Tết đã đến với những người làm vườn ở Nghi Tàm, Nhật Tân... Họ phải tỉa từng lá, bứng gốc đào, quất, hãm đào cho đến tháng Chạp thì đào nhú nụ, quất kết trái.
Chờ đến khi ông Táo lên chầu trời các cô gái làng hoa, đào, gánh quất từ khi trời còn mờ sương xuống mạn Yên Phụ rồi chia tay nhau đến các ngả chợ Hoa.
Những cánh đào toàn nụ hồng với sắc lá non xanh mơn mởn và những cây quất trĩu quả nửa xanh, nửa chín vàng từ tay những cô gái bán hàng theo dòng người về đón Tết với mọi nhà, đâu có ngại ngõ, ngách hay những con hẻm sâu thẳm?
Để tiện lợi cho mọi người tiêu dùng, chợ Tết Hà Nội bây giờ có ở nhiều nơi, nhưng riêng chợ Tết ở Hàng Lược đã tồn tại hàng trăm năm, và đến nay chợ hoa Tết Hàng Lược đông vui tấp nập hơn xưa nhiều. Hàng hóa đón xuân càng ngày thêm phong phú.
Chẳng thế mà người ta phải cấm xe đạp, xe máy vào chợ, cho đến ngày 29, 30 Tết, làng hoa Ngọc Hà đem đủ loại hoa tươi góp mặt với đào, quất Nhật Tân, lúc đó Hà Nội như ngập trời một màu hoa tươi với đủ màu sắc với đủ hương vị của cả một thế giới, mùi dễ chịu làm sao từ hoa lá tỏa ra.
Có lẽ giá hoa, giá đào đắt nhất mà thiên hạ vẫn thi nhau mua sắm Tết, trong nhà không thể thiếu lọ hoa tươi. Ngoài sân các bà các chị bận rộn với nồi bánh chứng, người rửa lá, người gói… chẳng ai bảo ai theo hệ tự động.
Xưa, thiên hạ kiêng đi chợ trong 3 ngày Tết cho dù ngày nay mồng 2 Tết đã có chợ, nhưng mua thực phẩm dự trữ có lẽ ăn sâu vào tiềm thức bao người.
Và vì thế, mà tất cả các loại rau tươi ngon từ khắp các khu ngoại thành đều đổ về chợ Tết Hà Nội. Nhìn những gánh rau, sạp rau xanh ở các chợ thấy rực rỡ màu đỏ cà chua và ớt, màu da cam của cà rốt, màu trắng xanh của hành củ, súp lơ, cùng su hào, cải bắp, dưa cải bẹ, cải thảo... được xếp thành từng lớp xanh mơn mởn, sẵn sàng đưa vào rổ, làn của các bà nội trợ về từng mái ấm gia đình.
Tết thật bận mà vui!