Đến Cổ Loa hồi tưởng chuyện đúc đồng
Dù là ngày cuối tuần, thế nhưng di tích Cổ Loa khá thanh vắng. Sự thanh vắng này càng dễ đưa ta hoài cổ về vùng đất vốn được mệnh danh là một trong những trung tâm đúc đồng thời Hùng Vương.
Đi theo đường nhựa từ chợ Sa vào đền An Dương Vương là sẽ đến Mả Tre – trước đây là khu nghĩa địa nằm phía Tây Nam Cửa Nam thành Cổ Loa. Mả Tre lọt giữa 2 vòng thành Trung và thành Nội của thành Cổ Loa nổi tiếng trong giới nghiên cứu từ năm 1982.
5 trống đồng Cổ Loa cùng hơn 200 hiện vật bằng đồng như lưỡi cày, rìu đồng, mũi tên đồng… được người dân nơi đây tình cờ phát hiện khi tham gia hạ thấp thửa ruộng khu Mả Tre của gia đình ông Tái Kim Quang – người ở xóm Chợ (Cổ Loa). Hơn 30 năm sau, tháng 12/2015, trống đồng Cổ Loa cùng 20 lưỡi cày đồng được công nhận là bảo vật quốc gia và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.
Từ Mả Tre, chúng tôi sang đền Thượng (đền thờ An Dương Vương) với mong muốn được nghe thêm về nguồn gốc của những hiện vật quý giá ấy. Cũng bởi lẽ, đây là một trong những di chỉ ở vùng Cổ Loa được các nhà khảo cổ học khai quật và tìm thấy vết tích của lò đúc đồng cùng những mảnh khuôn đúc bằng đá, mảnh nồi nấu đồng.
Hỏi chuyện người trông coi đền Thượng, thêm một lần nữa chúng tôi được nghe cụ kể truyền thuyết nỏ thần An Dương Vương cùng những mũi tên đồng. Rồi cụ kể riêng thành Cổ Loa đã 5 lần được các nhà khảo cổ khai quật ở cả ba vòng thành, riêng hố khai quật ở đền Thượng là vào năm 2005. Từ đây, các nhà khảo cổ phát hiện lớp văn hóa Đông Sơn mà theo như nhận định của các nhà nghiên cứu, từ những vết tích cổ xưa in dấu trong lòng đất, rất có thể những lò đúc đồng này đã đúc ra mũi tên đồng 3 cạnh – mũi tên đặc trưng của Cổ Loa.
Sang làng cổ thời Hùng Vương nghe thần tích
Chúng tôi hăm hở tìm về Lương Quy (Xuân Nộn, Đông Anh) và Thủy Trú (Bạch Hạ, Phú Xuyên). Được biết đây là những làng Việt cổ được hình thành từ thời Hùng Vương.
Dẫu giờ đây, Lương Quy trần mình dưới cái nắng cũng là những con đường bê tông, những nhà cao tầng kiên cố… nhưng lạ thay chúng tôi vẫn thấy một Lương Quy rất xưa khi được nghe các bậc cao niên trong làng kể câu chuyện lễ hội kéo lửa thổi cơm thi – một lễ hội được bắt nguồn từ truyền thuyết đời Hùng Vương thứ 6.
Lễ hội kéo lửa thổi cơm thi bắt nguồn từ câu chuyện dân làng Lương Quy nấu cơm khao các trai tráng trong làng gia nhập đoàn quân của Phù Đổng Thiên Vương đánh đuổi giặc Ân. Từ đây, vào ngày 6 tháng 2 âm lịch hàng năm, lễ hội kéo lửa thổi cơm thi ra đời để cúng tế “Tam vị Đại vương”. Đây là ba chàng trai giỏi nhất của làng, khi thắng trận trở về đã được triều đình phong tước “Tam vị Đại vương”.
Là người đã từng được cử tham gia lễ hội, chị Nguyễn Thị Hiền chia sẻ, lễ hội độc đáo này vẫn được bảo tồn và thực hành cho đến hôm nay. Vào ngày hội, cả làng như được sống lại trong không khí khao quân thời Hùng Vương của mấy ngàn năm trước. Bên cạnh phần lễ tái hiện ba đạo quân của ba vị Đại vương phất cờ đánh giặc Ân rồi vinh quy bái tổ, các tốp trai đinh còn trổ tài nấu cơm, các tốp tú nữ thì trổ tài têm trầu cánh phượng…
Bên làng Thủy Trú – ngôi làng cổ có từ thời Hùng Vương nằm bên dòng Lương Giang, xưa thuộc trấn Sơn Nam Thượng, chúng tôi được nghe câu chuyện về thần Quý Minh Đại Vương – là một trong ba vị thành hoàng của làng được thờ trong ngôi đình xây dựng cách đây 147 năm.
Theo các cụ trong làng, thần phả của đình có chép, thần Quý Minh Đại Vương chính là một trong tam vị Thánh Tản (Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương). Ông vừa có công chăm lo cuộc sống cho người dân Thủy Trú vừa cùng với Sơn Thánh, Cao Sơn giúp vua Hùng thứ 18 giữ yên bờ cõi giang sơn, dựng xây đất nước.
Từ Cổ Loa sang Lương Quy hay Thủy Trú, chỉ là ba trong rất nhiều vùng đất ở Hà Nội đang chứa đựng biết bao thần tích, truyền thuyết, di chỉ, hiện vật… minh chứng về nền văn hóa Hùng Vương phồn thịnh ở đất đế đô này. Vậy nên, sẽ còn rất nhiều những địa danh đang mời gọi mỗi người đến và khám phá để cùng tự hào về nguồn cội về những nền văn minh rực rỡ của cha ông…