Hà Nội ưu tiên vốn cho các dự án lĩnh vực giáo dục

GD&TĐ -Cùng với các dự án trọng điểm của thành phố thì đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học cũng được Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Khu vực được quy hoạch xây dựng trường học ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.
Khu vực được quy hoạch xây dựng trường học ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, ưu tiên bố trí đủ vốn cho dự án chuyển tiếp, dự án mới, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư xây dựng 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích theo tiến độ.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội khóa XVI diễn ra ngày 12/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đã làm rõ hơn một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến đầu tư công. Theo ông Hải, đến hết ngày 9/9/2022 tỷ lệ giải ngân toàn thành phố là hơn 15 nghìn tỷ đồng đạt 30% kế hoạch, vẫn thấp hơn so với yêu cầu.

Ông Hà Minh Hải cũng nhấn mạnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tỷ lệ giải ngân năm 2022 và chuẩn bị cho kế hoạch năm 2023. Theo đó, từng chủ đầu tư, từng quận, huyện, thị xã rà soát lại từng dự án để có phương án triển khai trong các tháng cuối năm để bảo đảm tỷ lệ giải ngân cao nhất, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Về giải phóng mặt bằng và giá, ông Hà Minh Hải yêu cầu các Sở TN&MT, Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị để có tham mưu kịp thời, quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân các tháng cuối năm 2022.

Cùng với đó, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, ưu tiên bố trí đủ vốn cho dự án chuyển tiếp, dự án mới, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư xây dựng 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích theo tiến độ triển khai và hoàn thành trong giai đoạn.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2022 và định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố; Phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố. Cụ thể, sau khi cơ cấu lại nguồn vốn, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 51.582,952 tỷ đồng.

Thành phố xác định, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho 39 dự án mới đã được HĐND thành phố quyết nghị chủ trương đầu tư là 7.668,2 tỷ đồng. Bổ sung kế hoạch vốn trung hạn cho 11 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND thành phố phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án với kinh phí 351,2 tỷ đồng.

Hà Nội cũng thống nhất bổ sung 8.400 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2055 từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô…

Về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội, HĐND TP Hà Nội đã thống nhất thông qua chủ trương đầu tư 19 dự án. Trong đó, có 1 dự án nhóm A để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo thẩm quyền; quyết định chủ trương đầu tư 17 dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án.

Cam kết xây trường học đúng tiến độ

Cùng với các dự án trọng điểm của thành phố thì đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học cũng được đặc biệt quan tâm. Trước đó, ngày 9/9, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2022, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái đã giải đáp nhiều vấn đề xoay quanh nội dung trên.

Theo ông Trần Quý Thái, Hoàng Mai hiện là quận có dân số đông nhất Hà Nội với 227 tòa nhà chung cư cao tầng, 202 nhà chung cư cũ, và sẽ tiếp tục xây dựng 5 tòa nhà chung cư nữa tại phường Hoàng Liệt. Riêng phường Hoàng Liệt hiện có 85 tòa chung cư và 5 tòa đang xây dựng.

Ông Trần Quý Thái cho biết thêm, quy mô mạng lưới trường lớp của quận năm học 2022 - 2023 có 89 trường học. Trong đó, 59 trường công lập, 30 trường ngoài công lập. Số học sinh là hơn 98.000 học sinh, bình quân 4 năm liên tiếp từ năm 2021 đến nay mỗi năm tăng 3.836 học sinh.

Riêng phường Hoàng Liệt có 92.000 người, bình quân tăng khoảng 2.000 trẻ trong độ tuổi mầm non hàng năm. Theo thống kê, trẻ trên địa bàn phường Hoàng Liệt từ 0 đến 16 tuổi là hơn 19.000 trẻ, trong đó số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn đi học là hơn 8.000 trẻ, phường có 11 trường và 79 nhóm lớp mầm non.

Năm học 2022 - 2023, Trường Mầm non Hoàng Liệt quy mô chỉ tiếp nhận 1.202 học sinh, đến nay đã tiếp nhận đủ. Riêng trẻ từ 3 - 4 tuổi chỉ tiếp nhận được 333 học sinh nhưng có tổng số 718 học sinh đăng ký.

Do vượt quá khả năng tiếp nhận, Ban giám hiệu Trường Mầm non Hoàng Liệt đã xin ý kiến về giải pháp và đi đến thống nhất đa số đồng tình việc bốc thăm để cho con vào trường.

Thời gian tới, UBND quận Hoàng Mai tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tài chính đầu tư, cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học. Riêng phường Hoàng Liệt dự kiến sẽ xây thêm trường mới cho năm học 2023 - 2024 để tăng số trường lớp mầm non để đáp ứng nhu cầu.

Bên cạnh đó, UBND quận cũng khuyến khích huy động và tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục đào tạo, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu giáo dục.

Đồng thời đề nghị các cấp có thẩm quyền yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị tòa nhà chung cư, yêu cầu các chủ đầu tư có cam kết thực hiện nghiêm túc xây dựng trường lớp đúng tiến độ hạ tầng xã hội, trong đó có trường học, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Tương tự như quận Hoàng Mai, tại xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) chính quyền địa phương đã lên kế hoạch cho xây dựng trường học mới đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh. Ông Nguyễn Hữu Trường - Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng - cho biết, Trường Tiểu học Hữu Bằng và Trường THCS Hữu Bằng hiện thiếu phòng học, nhiều hạng mục xuống cấp.

“Theo quy định hiện nay nếu không có trường mới thì không đạt chuẩn theo tiêu chí chung của thành phố nên bắt buộc phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng...”, ông Trường chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng cũng cho biết, với khoảng 18.000 dân cư trú không kể người lao động tạm trú. Hiện đã có dự án xây dựng mới Trường THCS Hữu Bằng (thôn Miễu) với diện tích 1,2 ha và Trường Tiểu học Hữu Bằng (thôn Bò) diện tích 1,8 ha.

Về giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, ông Nguyễn Hữu Trường cho biết, địa phương ưu tiên cho các dự án giáo dục. “Tại dự án Trường Tiểu học Hữu Bằng hiện có khoảng 10 nhà xưởng xây dựng và đang tiến hành rà soát. Còn dự án Trường THCS Hữu Bằng có hơn 20 nhà xưởng xây dựng trên đất dự án. Với những trường hợp này, nếu các hộ dân không tự nguyện tháo dỡ, chấp hành thì bắt buộc phải cưỡng chế để thực hiện dự án…”, ông Trường nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ