Tỷ lệ “chọi” sẽ cao vì sinh năm đẹp
Một vấn đề “nóng” trong tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội tồn tại nhiều năm nay đó là kỳ thi vào lớp 10 THPT, do số lượng chỉ tiêu ở các trường công lập chỉ đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu của học sinh tốt nghiệp THCS, nên cuộc chạy đua giành một suất học lớp 10 THPT công lập luôn trở nên căng thẳng.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2017 - 2018, toàn TP Hà Nội, có 82.934 học sinh xét tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ trung học phổ thông là 69.500 học sinh, trong đó các trường công lập tuyển 56.840 học sinh, các trường ngoài công lập tuyển 12.660 học sinh. Số học sinh được tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên là 7.000 học sinh. Số học sinh được tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp là 6.443 học sinh.
Năm nay, thí sinh vào lớp 10 của Hà Nội tăng đột biến, thêm tới 24.000 em, chủ yếu do tăng dân số cơ học vào năm đẹp dê vàng (2003). Đây là một thách thức lớn với tuyển sinh, đồng thời cũng là một bài toán đối với ngành GD-ĐT Thủ đô. Hàng năm, Hà Nội cũng chỉ đảm bảo được khoảng 60% học sinh vào trường công lập, do đó, tỷ lệ “chọi” năm nay sẽ cao hơn hẳn mọi năm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đại Kim (Hà Nội) cho biết, xác định tỷ lệ “chọi” cao hơn năm trước nên ngay từ đầu năm, giáo viên được phân công dạy lớp 9 đều là những giáo viên có kinh nghiệm để nâng cao chất lượng dạy học. Học đến đâu, giáo viên phải ôn tập, chốt kiến thức cuốn chiếu đến đó cho học sinh. Đặc biệt, hàng tháng, giáo viên phải có bài kiểm tra, đánh giá kiến thức để biết học sinh nào giỏi, khá, yếu kém để bồi dưỡng, phụ đạo kịp thời, tránh việc hổng kiến thức.
Cũng theo bà Hòa, phụ huynh cũng không nên căng thẳng, gây áp lực tâm lý lên học sinh. Phụ huynh nên phối hợp giáo viên tư vấn, hướng con chọn trường vừa sức, dưới sức để không bị trượt nguyện vọng đáng tiếc.
Phương thức tuyển sinh không thay đổi
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, dù có những đột biến về số TS dự thi, phương thức tuyển sinh sẽ không thay đổi. Theo đó, đối với lớp 10 THPT không chuyên tuyển sinh theo phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Điểm xét tuyển là tổng của điểm THCS, điểm thi (đã tính hệ số 2) và điểm cộng thêm. Trong đó, điểm THCS tính theo kết quả rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS. Điểm cộng thêm là tổng điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Học sinh có nguyện vọng thi vào lớp chuyên của 4 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Sơn Tây thi thêm môn Ngoại ngữ và các môn chuyên vào ngày 10 và 11/6.
Theo đại diện Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội): Năm 2018, phương án thi vào lớp 10 THPT của Thủ đô sẽ không có môn Ngoại ngữ như dư luận đồn đại, bởi trước đó, có thông tin trên mạng xã hội rằng, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm tới, ngoài 2 môn truyền thống là Toán, Ngữ văn, sẽ có thêm môn Ngoại ngữ, gây tâm lý lo lắng cho học sinh.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cũng khẳng định, việc thi 3 môn để tuyển sinh vào lớp 10 chắc chắn sẽ chưa áp dụng vào năm 2018. Ông Đại cũng cho hay, thời gian qua, đúng là Hà Nội cũng đã thử đưa vấn đề này ra bàn bạc qua 2 - 3 hội thảo và tham vấn ý kiến chuyên gia, nhưng cũng có nhiều ý kiến chưa đồng thuận.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên bày tỏ sự đồng tình nếu như việc thi tuyển vào lớp 10 tại Hà Nội có thêm môn Ngoại ngữ.
Theo bà Trần Thị Bích Hợp, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (Hà Nội), việc tổ chức thi môn Ngoại ngữ vào lớp 10 là cần thiết trong việc đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực học sinh. Tuy nhiên, áp dụng vào thời điểm nào cần có lộ trình phù hợp. Việc thêm môn thi phải được chuẩn bị và có kế hoạch trước và công bố sớm để nhà trường và GV có phương án dạy và học phù hợp.
Dự báo tỉ lệ chọi thi vào lớp 10 năm nay sẽ tăng cao, tuy nhiên, thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, năm nay Hà Nội có xây mới một số trường THPT công lập nên tăng cơ hội học công lập cho học sinh tốt nghiệp THCS.
Bên cạnh đó, Sở cũng đang làm tờ trình báo cáo thành phố về việc đảm bảo tỷ lệ phần trăm chỉ tiêu công lập tương đương năm trước để tạo điều kiện cho học sinh được học công lập. Mặc dù vậy, vẫn có khoảng 40% học sinh sẽ phải học trường ngoài công lập, trung cấp, học nghề hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên.