Hà Nội: Trường THPT công lập đầu tiên được tự chủ về tổ chức bộ máy và biên chế

GD&TĐ - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt đề án về tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế giai đoạn 2020-2023 của trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa.

Thư viện hiện đại của Trường THPT Phan Huy Chú- Đống Đa.
Thư viện hiện đại của Trường THPT Phan Huy Chú- Đống Đa.

Sau thời gian dài từ 2008-2020 đi đầu trong việc tự chủ về tài chính đến nay trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa lại tiếp tục là trường THPT công lập đầu tiên được phê duyệt đề án tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế.

Theo Quyết định, về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, căn cứ chương trình, kế hoạch dài hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú- Đống Đa được chủ động quyết định các biện pháp để tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn theo đúng qui định của pháp luật, trong đó chú trọng việc đảm bảo các điều kiện về nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện. Nhà trường tổ chức giới thiệu, lựa chọn các thành viên Hội đồng trường trình Sở GD&ĐT phê duyệt.

Hiệu trưởng được tổ chức các hoạt động liên doanh, liên kết và hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học trong lĩnh vực GD-ĐT và các hợp đồng kinh tế khác, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị.

Trường được chủ động quyết định việc vay vốn, huy động vốn, góp vốn, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân bằng các hình thức xã hội hóa khác nhau để mở rộng cơ sở vật chất… đáp ứng nhu cầu của XH.

Về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, Hiệu trưởng nhà trường được quyền quyết định kế hoạch biên chế và có trách nhiệm báo cáo kế hoạch biên chế để Sở GD&ĐT tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát. Hiệu trưởng quyết định kế hoạch sử dụng lao động hợp đồng làm việc tại đơn vị.

Về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tuyển dụng và tiếp nhận viên chức, lao động hợp đồng, nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức, trong đó xác định rõ số lượng cần tuyển của từng ngạch, chức danh nghề nghiệp, điều kiện tiêu chuẩn, hình thức, thời gian tuyển dụng.

Hiệu trưởng tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức theo đúng qui trình, qui định hiện hành của pháp luật. Hiệu trưởng được quyền tiếp nhận viên chức thuộc các đơn vị do TP quản lý có chức danh nghề nghiệp tương đương giáo viên THPT hạng II trở xuống.

Hiệu trưởng quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức đối với những người được tuyển dụng lần đầu.

Hiệu trưởng quyết định điều động, biệt phái luân chuyển, chấm dứt hợp đồng làm việc đối với lao động hợp đồng và viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của trường từ chức danh nghề nghiệp tương đương giáo viên THPT hạng II trở xuống.

Về việc nâng lương, Hiệu trưởng quyết định nâng bậc lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung, nâng bậc lương trước thời hạn, phụ cấp thâm niên nhà giáo, kéo dài thời gian nâng lương đối với viên chức và người lao động hợp đồng của đơn vị.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 5/1/2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.