Hà Nội: Trường học an toàn, lễ hội bình an

GD&TĐ - Các cấp, các ngành thành phố Hà Nội bảo đảm các điều kiện tổ chức học trực tiếp cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các lễ hội, không để dịch bệnh lây lan...

Học sinh đến trường thực hiện nghiêm 5K phòng dịch Covid-19.
Học sinh đến trường thực hiện nghiêm 5K phòng dịch Covid-19.

Đề nghị cơ sở giáo dục bảo đảm an toàn cho người học

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, mặc dù số ca F0 ở mức cao, khoảng 2.900 ca/ngày, nhưng thành phố vẫn kiểm soát tốt tình hình. Mọi hoạt động xã hội vẫn duy trì ổn định, không bị xáo trộn; kinh tế ghi nhận chuyển biến tích cực. Tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên tới trên 103.800 người.

Tỷ lệ bệnh nhân tầng 1 phải chuyển tầng điều trị chỉ chiếm 0,37%. Hiện còn 67.421 người đang điều trị, trong đó số ca F0 điều trị ở tầng 1 chiếm tỷ lệ trên 96%.

Ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp tuyệt đối không chủ quan. Đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc tinh thần này. Yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phối hợp với Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, các trường đại học, cao đẳng, học viện và gia đình, các chủ nhà trọ trên địa bàn quản lý chặt chẽ sinh viên ở trọ phân tán.

Thực hiện rà soát, lập danh sách những người chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Các trường phải có kế hoạch tổ chức ngay việc kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền và đặc biệt là hỗ trợ sinh viên khi không may mắc bệnh, vì hầu hết các em đều ở xa gia đình…

“Tôi đề nghị các cơ sở giáo dục - đào tạo phải nâng cao trách nhiệm, chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn cho học sinh, sinh viên của mình…”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Đối với các cơ sở giáo dục, trung tâm văn hóa, thể thao... được trưng dụng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phải bảo quản, sắp xếp để bàn giao lại cho đơn vị chủ quản.

Để dạy và học an toàn, ghi nhận tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, nhà trường đã thực hiện tốt phương án dạy học thích ứng an toàn với dịch bệnh, duy trì kỷ cương, nền nếp lớp học.

Thầy Đặng Quốc Thống - Chủ tịch HĐQT Trường THCS Đoàn Thị Điểm, từ 9/2 học sinh nhà trường (trừ khối 6) đã trở lại trường học trực tiếp. Song vẫn còn một số trường hợp học sinh là F0, F1 hoặc chưa đủ điều kiện sức khỏe nên nhà trường triển khai song song vừa trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Học sinh đến trường học trực tiếp, Trường THCS Đoàn Thị Điểm triển khai và thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các bộ phận nhà trường rà soát và hoàn thiện cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học để học sinh học tập tại trường an toàn.

“Sáng 15/2, 2012 học sinh khối 7, 8 và 9 đến trường học tập trực tiếp. Có 1103 học sinh (khối 6) và một số học sinh liên quan đến dịch Covid-19, yếu tố sức khỏe thực hiện học trực tuyến tại nhà.

Tất cả các lớp kê lại bàn ghế đảm bảo cự li giãn cách theo quy định. Hàng tuần, giáo viên đổi chỗ ngồi cho học sinh để đảm bảo an toàn thị lực học đường...”, thầy Thống thông tin.

Chủ tịch HĐQT Trường THCS Đoàn Thị Điểm cũng cho biết, hiện 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường hoàn thành tiêm đủ 2 đến 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Cùng với bảo đảm chất lượng dạy và học, nhà trường đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của học sinh.

Kiểm soát chặt “đầu vào - ra” tại lễ hội

Nhấn mạnh công tác quản lý tổ chức lễ hội xuân Nhâm Dần, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Đinh Tiến Dũng yêu cầu, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố phối hợp với ngành Văn hóa và Thể thao, các quận, huyện, thị xã có kế hoạch tổ chức.

Đồng thời, bố trí đủ lực lượng tổ chức phân luồng, phân làn giao thông ở nơi tổ chức lễ hội, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ “đầu vào”, “đầu ra”, nhắc nhở thường xuyên người dân tham gia lễ hội, có chế tài cần thiết bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nơi có lễ hội phải chịu trách nhiệm về việc này.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu các cấp, các ngành phải đặt trọng tâm vào công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại, tổ chức thực hiện tốt Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm bao phủ một cách nhanh nhất mũi nhắc lại cho người dân trên địa bàn Thủ đô…

Với gần 100 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và di tích cách mạng mở cửa từ 15/2, bà Lê Thị Khanh - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, mở cửa di tích phải an toàn với phòng dịch.

Quận Ba Đình cho phép mở cửa hoạt động trở lại các di tích lịch sử - văn hoá kể từ 7 giờ ngày 15/2. Đối với hoạt động lễ hội truyền thống, không tổ chức phần hội, chỉ thực hiện các nghi lễ với thành phần tham dự chính.

Quận Ba Đình cũng yêu cầu khi mở cửa phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, giao các phường chủ động phân công người quản lý thực hiện việc truy cập và quét mã QR, niêm mã QR khai báo y tế trước khi mở cửa hoạt động trở lại.

Ghi nhận của PV, các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn quận Ba Đình mở cửa trở lại đều có các điều kiện phòng chống dịch như: Nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, biển bảng phân luồng, thông báo lối ra, vào lễ tại các di tích… Lực lượng chức năng của 14 phường đều bố trí cán bộ hướng dẫn, phân luồng không để tập trung đông người gây ùn ứ, ách tắc.

Toàn quận Ba Đình hiện có 74 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và di tích cách mạng kháng chiến. Trong đó, có 52 di tích lịch sử văn hóa, 3 di tích cách mạng kháng chiến, 17 địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện, 1 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và 1 di sản thế giới Hoàng thành Thăng long.

“Trưởng ban quản lý di tích có trách nhiệm quyết định việc đóng cửa tạm thời các di tích (không quá 60 phút) nếu số lượng người dân đến tham quan quá đông, ảnh hưởng đến công tác an ninh trật tự, an toàn phòng chống dịch. Thông báo, treo biển trước cửa các di tích để nhân dân biết và đồng thuận với chủ trương của quận…”, bà Lê Thị Khanh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ