Hà Nội: Kỳ vọng du lịch “ấm lên” khi lễ hội lớn mở cửa

GD&TĐ - Thành phố Hà Nội phấn đấu năm 2022 đón và phục vụ từ 9 - 10 triệu lượt khách, trong đó, có 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế.

Du khách về với chùa Hương những ngày qua.
Du khách về với chùa Hương những ngày qua.

Ngày 14/2, thông tin với Báo GD&TĐ, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, sau 2 năm tạm dừng các hoạt động du lịch, trong 7 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần, thành phố đón hơn 105 nghìn lượt khách đến du Xuân.

Đặc biệt, lễ hội chùa Hương mở cửa chính thức từ 16/2 tới đây nhưng từ ngày 11/2 đến nay Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) đã thu hút hàng chục nghìn du khách.

Về lộ trình triển khai các hoạt động du lịch, kế hoạch số 43 của UBND TP Hà Nội cho thấy, du lịch sẽ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022 - 2023 với 2 giai đoạn.

Thành phố Hà Nội phấn đấu năm 2022 đón và phục vụ từ 9 - 10 triệu lượt khách, trong đó, có 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế. Dự kiến tổng thu từ khách du lịch đạt từ 27,84 - 35,84 nghìn tỷ đồng.

Đến năm 2023, Hà Nội dự kiến đón và phục vụ từ 12 - 14 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 - 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Qua đó, giúp tổng thu từ khách du lịch lên tới 55,78 nghìn tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, đến sáng 14/2, mọi công tác chuẩn bị đón khách về chùa Hương đã sẵn sàng. Từ 11/2 lực lượng chức năng huyện Mỹ Đức đã tổ chức ra quân chuẩn bị điều kiện để vận hành đảm bảo cho việc đón khách an toàn.

“Trong quá trình ra quân đến nay một số du khách đã về với chùa Hương. Chúng tôi có cho phép bán vé, vận chuyển du khách để trong quá trình đó có vấn đề phát sinh sẽ rút kinh nghiệm và chỉ đạo khi chính thức mở cửa đón khách ngày 16/2...”, ông Cảnh thông tin.

Còn ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, Phó ban Tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, từ 11/2 đến nay, chùa Hương đón trên 1 vạn khách.

Theo ông Hiển, hiện có hơn 3.000 nghìn thuyền đò, thuyền chở khách được vệ sinh hạ thủy sẵn sàng phục vụ du khách về vãn cảnh chùa. “Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn yêu cầu các chủ thuyền, đò tiến hành tổng vệ sinh, khử khuẩn, đảm bảo đủ phao cứu sinh, hộp đựng rác, đồ dùng phòng chống dịch... phục vụ du khách...”, ông Hiển lưu ý.

Ban tổ chức lễ hội chùa Hương dự kiến, ngày mở cửa đón khách 16/2 tới đây có khoảng trên 1 vạn du khách đến với chùa Hương. Đặc biệt, cao điểm trong ngày cuối tuần đầu (từ 19 - 20/2) dự kiến khách về với chùa Hương khoảng hơn 3 vạn/ngày.

“Các chủ thuyền, đò, nhà nghỉ, khách sạn và đơn vị kinh doanh tại Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cần chấp hành nghiêm quy định của Ban Tổ chức lễ hội. Phục vụ khách du lịch vui vẻ, trách nhiệm như đối với người thân trong gia đình để du khách vui xuân, vãn cảnh an toàn...”, ông Hiển bày tỏ.

Thông tin từ Công an huyện Mỹ Đức cũng cho biết, từ 12/2 đến nay, đơn vị đã lập biên bản xử lý hơn 20 trường hợp “cò mồi” lôi kéo tranh giành khách vãn cảnh chùa Hương. Qua điều tra các “cò mồi”, gia đình các đối tượng đều có đò hoạt động kinh doanh dịch vụ chở khách ở chùa Hương.

Thời gian tới, Công an huyện Mỹ Đức sẽ tiếp tục triển khai lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến đường dẫn vào chùa Hương và khu vực khu di tích thắng cảnh.

Trước đó (tối 8/2), Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Chử Xuân Dũng có văn bản về việc tổ chức đón khách tham quan Chùa Hương. Việc đón khách thăm quan đảm bảo quy trình an toàn dịch bệnh trong tình hình mới, theo phương án từ ngày 11/2 đến 15/2 triển khai công tác chuẩn bị lực lượng để đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ ngày 16/2 (tức 16 tháng Giêng Nhâm Dần) thực hiện đón khách tham quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.