Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.
Theo lãnh đạo Chi cục Dân số Hà Nội, Chi cục Dân số Hà Nội đã xây dựng và hướng dẫn triển khai, duy trì mô hình dân số tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi (NCT) được đẩy mạnh trước thực trạng già hóa dân số đang tăng rất nhanh.
Năm 2023, có 42 mô hình chăm sóc NCT ở cộng đồng, 40 câu lạc bộ NCT tự chăm sóc sức khỏe đã được triển khai. Đáng chú ý, Hà Nội đang triển khai dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi áp dụng mô hình Tsuyama” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Kết quả, tỉ lệ khám sức khỏe thông thường định kỳ cho người cao tuổi năm 2023 đạt 88,79%.
Chi cục Dân số Hà Nội cũng đã xây dựng Kế hoạch đào tạo kiến thức, kỹ năng về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, theo sức khỏe NCT cho bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ thực hiện tại các Trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn Thành phố. Cấp xã, phường tập trung quan tâm đến việc động viên chăm sóc NCT vào các dịp Lễ Tết hay ngày kỉ niệm của người cao tuổi…, phấn đấu ít nhất 90% số NCT được khám sức khỏe thông thường định kỳ ít nhất một lần trở lên/năm, sàng lọc một số ung thư sớm thường gặp cho người cao tuổi; lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe tại Trạm y tế tuyến xã…
Từ nay đến năm 2030, Hà Nội vẫn trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, với tỉ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15 - 64 tuổi khá cao, chiếm 61 - 63% tổng dân số của Hà Nội. Cơ cấu dân số vàng của Hà Nội sẽ kết thúc vào năm 2045, khi tỉ lệ người cao tuổi chiếm tỉ trọng cao hơn so với dân số trong độ tuổi lao động đặt ra nhiều thách thức.
Đến hết năm 2025, Hà Nội phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn triển khai các hoạt động hỗ trợ người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao nâng cao sức khỏe tinh thần tại cộng đồng.
Các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai, duy trì mô hình chăm sức khỏe NCT tại cộng đồng và các câu lạc bộ tự chăm sóc sức khỏe NCT, thực hiện khám sức khỏe cho NCT tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, chủ động lồng ghép nội dung tuyên truyền về phát triển thể lực tầm vóc vào các buổi truyền thông; thực hiện truyền thông trên đài truyền thanh của xã, phường; tổ chức truyền thông phòng chống béo phì cho học sinh tại các trường tiểu học…
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc duy trì đẩy mạnh các mô hình điểm về chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng đã giúp cho việc nâng cao vị thế của NCT; phát huy vai trò của NCT trong việc vận động gia đình thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ, phòng chống các tệ nạn xã hội…
Thông qua việc khám sức khỏe cho NCT của mô hình trên địa bàn thành phố, nhiều NCT biết về cách chăm sóc, và quan tâm đến việc phòng bệnh hơn chữa bệnh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm và điều trị có hiệu quả. Ngoài ra, bản thân NCT cũng nắm bắt được kiến thức về bệnh lý tuổi già để chủ động hơn trong chăm sóc ngay từ gia đình, cộng đồng.