Việc giãn cách và quyết định kéo dài giãn cách là việc nên làm
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố bị lây lan mạnh. Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 6 giờ ngày 24/7. Đến ngày 6/8, Hà Nội tiếp tục cách ly toàn xã hội đến 6 giờ ngày 23/8.
Về việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND TP Hà Nội, trao đổi trên báo chí, Bác sĩ Tạ Hữu Ánh, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, cá nhân ông ủng hộ việc Thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Việc giãn cách sẽ giúp Thành phố nhanh chóng khoanh vùng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và dập tắt được những ổ dịch, tránh lây lan, đồng thời thúc đẩy tiêm chủng vắc xin.
Dịch Covid-19 không chừa một ai. Mọi lứa tuổi, mọi độ tuổi, giới tính… đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, Covid-19 có xu hướng gây nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn ở người lớn tuổi. Ở Mỹ, khoảng 80% trường hợp tử vong là ở những người từ 65 tuổi trở lên. Rủi ro thậm chí còn cao hơn đối với người lớn tuổi có các bệnh lý nền.
Vì thế, bác sĩ Ánh mong muốn người dân hãy chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ, của lãnh đạo Thành phố, bảo vệ chính mình cũng chính là đang bảo vệ những người thân cao tuổi trong gia đình và xung quanh. Việc giãn cách và quyết định kéo dài giãn cách là việc nên làm để bảo đảm an toàn tính mạng người dân và cũng là tránh những rủi ro, quá tải, áp lực lên đội ngũ y tế, để những người làm nghề y tập trung, dồn sức lực vào cứu chữa và chăm sóc đồng bào.
Xét nghiệm diện rộng, mục tiêu bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng
Cùng với thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội đang tiếp tục thực hiện mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 cho người ở khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ từ ngày 18/8.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội, từ ngày 18-20/8, Hà Nội sẽ lấy gần 1 triệu mẫu để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm nguy cơ cao.
Hà Nội đã kết thúc tuần cao điểm đầu tiên lấy xét nghiệm cho người có nguy cơ cao và người sống trong các khu vực nguy cơ cao. Cụ thể, toàn thành phố đã lấy và xét nghiệm trên 300.000 mẫu. Bắt đầu từ ngày 18/8, toàn thành phố tiếp tục thực hiện đợt 2 với số mẫu dự kiến trên 800.000.
Theo ông Trương Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), mục tiêu trong đợt 2 này, thành phố tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 tại các khu vực "vùng đỏ", khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm và những ổ dịch mới phát sinh. Ngoài ra, lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều... Để kịp tiến độ đề ra, thành phố đã huy động hơn 20 bệnh viện, đơn vị trên địa bàn tham gia xét nghiệm diện rộng đợt 2 bằng kỹ thuật RT-PCR.
13 nhóm người nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm đợt này gồm: Nhân viên giao hàng (shipper); người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).
Mục tiêu lấy mẫu xét nghiệm trong đợt này nhằm "bóc tách" F0 tại các khu vực "vùng đỏ," khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm và những ổ dịch mới phát sinh. Ngoài ra, lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao cũng căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều.
Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng là một trong các điều kiện về việc có tiếp tục giãn cách hay dừng giãn cách
Báo cáo những ngày qua của Sở Y tế Hà Nội cho thấy số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố có dấu hiệu giảm tích cực, số ca mắc mới ghi nhận chủ yếu là các trường hợp đã được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, cho rằng chắc chắn không thể hoàn toàn mở hết trở lại, có thể sẽ không thực hiện Chỉ thị 16 mà sẽ chuyển sang Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19.
Việc lấy 800.000 mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 sẽ được báo cáo để lãnh đạo thành phố xem xét như một trong các điều kiện về việc có tiếp tục giãn cách hay dừng giãn cách.
Tuy việc phát triển kinh tế cũng rất quan trọng nhưng trong thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn cần tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch, chỉ khi dịch được khống chế thì mọi hoạt động thông thương, buôn bán mới thuận lợi, an toàn.
Nếu số ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng vẫn tăng thì thực hiện giãn cách xã hội là hết sức quan trọng để bảo đảm an toàn cho người dân. Đặc biệt, TP Hà Nội cần tăng cường tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân. Đây chính là giải pháp trước mắt, lâu dài và cũng là giải pháp then chốt nhất để phòng, chống dịch hiệu quả.
Hiện số mẫu có kết quả mới rất ít, nếu sau khi lấy mẫu diện rộng cho kết quả âm tính nhiều thì sẽ là tín hiệu khả quan trong việc khoanh vùng F0 ngoài cộng đồng. Nhưng nếu kết quả còn nhiều mẫu dương tính ngoài cộng đồng thì nguy cơ vẫn rất cao.
Bệnh viện Đa khoa Medlatec được sự phân công của Sở Y tế Hà Nội về lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngoài cộng đồng, trong đợt 2 này, bệnh viện sẽ tham gia sàng lọc 130.000 mẫu xét nghiệm.
Bệnh viện đã huy động khoảng 700 lượt nhân viên y tế tham gia công việc, cố gắng trả kết quả xét nghiệm trong 24 giờ theo quy định của Sở Y tế Hà Nội.
Thông tin trên báo chí, GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu trung ương, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, chủ trương xét nghiệm diện rộng của Hà Nội là quyết định rất chủ động, kịp thời trước diễn biến dịch phức tạp ở Hà Nội hiện nay. Điều này giúp Hà Nội trong thời gian ngắn nhất tìm kiếm, phát hiện F0 còn ở ngoài cộng đồng để khoanh vùng, dập dịch, tránh lây lan dịch cũng như có quyết định thực hiện biện pháp giãn cách tiếp hay không.
Cũng theo GSTrí, với 1 triệu mẫu được lấy xét nghiệm trong đợt 2 này, nếu tỉ lệ dương tính vẫn giảm thấp thì Hà Nội hoàn toàn có thể tính tới việc nới lỏng quy định về giãn cách xã hội. Nếu số mắc tăng cao trong đợt xét nghiệm này thì khả năng cao sẽ phải tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội. Đặc biệt, cũng cần lưu tâm về đợt nghỉ lễ 2/9 tới.
Nếu Hà Nội dừng giãn cách vào ngày 23/8 tới - thời điểm cách nghỉ lễ 2/9 hơn một tuần, thì với tâm lý chung là muốn giải tỏa sau một tháng giãn cách, có thể người dân sẽ đổ ra đường, tụ tập đông người ở các điểm vui chơi, đẩy nguy cơ bùng phát dịch lên cao. Kết quả chống dịch sẽ chưa thực sự bền vững khi vẫn còn F0 ngoài cộng đồng.
Còn theo ông Lê Văn Dương, Chánh Văn phòng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Hà Nội rất cần thêm thời gian giãn cách để chủ động, có điều kiện bóc, tách trường hợp F0 khỏi cộng đồng, kể cả việc phải thực hiện giãn cách trong dịp 2/9. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 để giữ vững thành quả phòng chống dịch.
Nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức cao và khó lường, tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch
Văn phòng Thành uỷ Hà Nội ngày 19/8 ra Thông báo số 465-TB/TU về kết luận của Thường trực Thành ủy tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Kết luận được đưa ra tại cuộc họp ngày 16/8 dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Theo đó, Thường trực Thành uỷ Hà Nội kết luận, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức cao và khó lường. Việc xét nghiệm diện rộng và xét nghiệm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng vẫn ghi nhận thêm các ca mắc mới và nhận định có thể còn có các trường hợp F0 khác trong cộng đồng chưa được bóc tách hết.
Trong các khu phong tỏa vẫn xuất hiện nhiều F0 do truy vết không kịp hoặc thực hiện “chặt ngoài, lỏng trong”.
Để giữ vững thành quả công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt không để dịch lan rộng, Thường trực Thành uỷ yêu cầu cả hệ thống chính trị thành phố, các lực lượng thực hiện công tác phòng, chống dịch một cách thực chất, hiệu quả, sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Các lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt việc người dân ra đường không có lý do chính đáng, hợp lý như đã nêu trong Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố.
Các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo tiếp tục bố trí, nâng cao hiệu quả thực chất của các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ngay tại các ngõ, phố, thôn, xóm; phát huy tốt vai trò các tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ phản ứng nhanh từ quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, kiểm soát chặt cả bên ngoài và bên trong, nhất là các khu vực có F0 đã phong tỏa, tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”.
Các nơi phong tỏa phải kiểm soát nghiêm, chặt hơn, bố trí lực lượng, phương tiện cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho từng gia đình, từng người dân để nhân dân yên tâm ở tại chỗ, không ra ngoài, phòng ngừa lây lan dịch trong khu phong tỏa.
Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả việc xét nghiệm diện rộng, trong đó lưu ý việc xác định các khu vực nguy cơ cao bảo đảm chính xác, ưu tiên xét nghiệm các “vùng đỏ”, các đối tượng nguy cơ cao như: lực lượng tuyến đầu, người lao động tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa, vận tải, dịch vụ, công nhân lao động khu công nghiệp, chế xuất, giáo viên, học sinh, cán bộ, nhân viên các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm cai nghiện...