Hà Nội quyết tâm nâng chuẩn giáo viên trước năm 2026

GD&TĐ - UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS ngành  GD-ĐT Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026. 

Theo kế hoạch, tất cả giáo viên Hà Nội sẽ đạt chuẩn trước năm 2026.
Theo kế hoạch, tất cả giáo viên Hà Nội sẽ đạt chuẩn trước năm 2026.

Lộ trình phù hợp

Theo Kế hoạch, đến năm 2025, 100% giáo viên THCS trong độ tuổi được cử đi đào tạo, hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp bằng cử nhân. Đến năm 2026, 100% giáo viên tiểu học trong độ tuổi được cử đi đào tạo, hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp bằng cử nhân; 100% giáo viên mầm non trong độ tuổi được cử đi đào tạo, hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp bằng cao đẳng sư phạm trở lên.

Ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Hiện toàn ngành có hơn 17 nghìn giáo viên chưa đạt chuẩn, thuộc đối tượng cử đi đào tạo nâng chuẩn và có gần 8.700 người đang đi học. Theo lộ trình, năm 2022, toàn ngành sẽ có hơn 6.600 giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn; năm 2023 là gần 1.200 người, số còn lại sẽ được cử đi đào tạo vào năm 2024.

Đối tượng cử tham dự khóa đào tạo nâng trình độ chuẩn gồm cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trong các cơ sở giáo dục. Đối với giáo viên thuộc cơ sở giáo dục ngoài công lập, ngoài các quy định chung, cần có thêm điều kiện là được nhà trường ký hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 1/7/2020.

Trên cơ sở thực trạng đội ngũ giáo viên và đề xuất của cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, theo phân cấp quản lý, sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt số lượng giáo viên tham dự đào tạo nâng chuẩn về trình độ theo chỉ tiêu của từng năm và giai đoạn 2021 - 2026; chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện kế hoạch hằng năm bảo đảm đúng chỉ tiêu và tiến độ.

Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông rà soát các trường hợp giáo viên đã chủ động xin đi học và đang thực hiện đào tạo trong khoảng thời gian từ khi Luật Giáo dục có hiệu lực đến thời điểm kế hoạch của UBND TP Hà Nội ban hành; nếu có nhu cầu chuyển sang tham gia đào tạo nâng chuẩn theo kế hoạch của UBND TP thì đề xuất Sở GD&ĐT hoặc UBND quận, huyện, thị xã để bổ sung vào diện được cử đi đào tạo theo kế hoạch hằng năm.

Căn cứ Kế hoạch của UBND thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị, nhà trường rà soát kỹ đội ngũ giáo viên; căn cứ hướng dẫn về nguyên tắc, cách thức để chọn cử giáo viên tham gia đào tạo đúng đối tượng. Các nhà trường cần có phương án sắp xếp giáo viên hợp lý, phân công đủ giáo viên giảng dạy và tạo điều kiện thuận lợi cho những người được cử đi đào tạo; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định, bảo đảm quyền lợi cho giáo viên.

Giáo viên mầm non sẽ có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên. Ảnh: TG
Giáo viên mầm non sẽ có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên. Ảnh: TG

Nâng cao chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm

Năm học 2021 - 2022, TP Hà Nội có hơn 2.800 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT với gần 130 nghìn giáo viên. Dù còn nhiều khó khăn, song công tác đầu tư, quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên luôn được ngành GD-ĐT Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Các nhà trường cũng luôn tạo điều kiện, khuyến khích giáo viên tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ.

Bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết: Ngoài việc bố trí bồi dưỡng cho tất cả cán bộ giáo viên của ngành tham dự chương trình bồi dưỡng của Sở GD&ĐT Hà Nội, phòng đã tham mưu với Quận ủy, UBND quận tổ chức học tập, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, định hướng đổi mới giáo dục tới cán bộ quản lý, giáo viên.

Phòng GD&ĐT chỉ đạo xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn ở từng cấp học với nhiều biện pháp tập trung chỉ đạo bồi dưỡng đội ngũ về công tác quản lý, đổi mới phương pháp, đổi mới kiểm tra, đánh giá, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, giải quyết những nội dung mới, vấn đề khó.

Việc cử giáo viên đi học nâng cao trình độ được quan tâm. Hiện nay, trình độ đào tạo đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 của giáo viên trong biên chế toàn ngành đạt gần 90%. Các trường chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ theo lộ trình, bảo đảm đến năm 2025, trình độ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là 100%.

Trong khi đó, ông Hoàng Mạnh Cường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ thông tin: Theo quy định mới của Luật Giáo dục, vẫn còn một bộ phận giáo viên của huyện chưa đạt chuẩn. Thời gian qua, các nhà trường trên địa bàn đều tạo điều kiện để giáo viên được tham gia các lớp bồi dưỡng. Đến nay, số giáo viên này đang tham gia các lớp đào tạo nâng trình độ chuẩn.

Là người tham gia lớp đào tạo nâng chuẩn, theo cô Nguyễn Thị Tuyến - giáo viên Trường Mầm non Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ), việc nâng cao trình độ chuyên môn là yêu cầu cấp thiết của giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tuy thời gian eo hẹp nhưng được sự động viên của lãnh đạo nhà trường, cô đã tham gia lớp học được tổ chức cuối tuần để có bằng cao đẳng sư phạm.

Huyện Mê Linh có hơn 3 nghìn giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học và THCS, trong đó có khoảng 17% số giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định mới. Ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho biết: Phòng sẽ tham mưu với lãnh đạo huyện ưu tiên công tác bồi dưỡng, cố gắng hoàn thành trước kế hoạch của thành phố từ 1 đến 2 năm.

“Phòng GD&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch, tham mưu với lãnh đạo huyện về lộ trình triển khai, đồng thời quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Những quy định cụ thể của kế hoạch đã tháo gỡ được khó khăn cho cơ sở và người học về vấn đề tài chính. Theo đó, giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn sẽ được ngân sách chi trả kinh phí đào tạo. Do đó, tất cả giáo viên các cấp học đều sẵn sàng đi học để đạt chuẩn theo yêu cầu”.
Ông Nguyễn Văn Hậu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.