Hà Nội quyết liệt dẹp 'điểm nóng' vi phạm an toàn giao thông

GD&TĐ - Điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi ngược chiều, quá tải... diễn ra phổ biến ở nhiều tuyến phố Hà Nội.

Lực lượng chức năng xử lý hành vi đi ngược chiều.
Lực lượng chức năng xử lý hành vi đi ngược chiều.

Vắng bóng cảnh sát là vi phạm

Dù đã có nỗ lực rất lớn về tuyên truyền các quy định an toàn giao thông (ATGT) trong các nhà trường nhưng tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông vẫn diễn ra phổ biến ở Thủ đô Hà Nội.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, chỉ huy Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, các vi phạm chủ yếu của các học sinh, sinh viên là không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, không có giấy phép lái xe và sử dụng điện thoại, đeo tai nghe khi lái xe...

Ghi nhận cùng lực lượng CSGT trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), chỉ sau vài phút lập chốt, đã có hơn 20 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm bị xử lý. Đáng nói, nhiều trường hợp vi phạm với lỗi vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, điều khiển xe mô tô từ 50cc trở lên... tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Thống kê từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trong 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) (chiếm 2,31% tổng xử lý vi phạm TTATGT toàn quốc).

Trong đó lỗi vi phạm chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59%; không có giấy phép lái xe chiếm 7,38%; không đội mũ bảo hiểm chiếm 42,9%; có cả lỗi học sinh vi phạm nồng độ cồn, ma túy...

Cùng với các lỗi vi phạm trên, lực lượng CSGT cũng mạnh tay xử lý hành vi đi ngược chiều ở nhiều tuyến phố. Ghi nhận cùng Đội CSGT số 3 sáng 9/11, từ đường Láng vào phố Yên Lãng (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa), khoảng cách cũng chừng 30m, vào giờ cao điểm với mật độ phương tiện đông đúc, việc đi ngược chiều của người điều khiển phương tiện thiếu ý thức chính là nguyên nhân gây ùn ứ và tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn giao thông.

Anh Cao Xuân Tình (ở Thái Nguyên, làm nghề xe ôm công nghệ) cho biết, gần như ngày nào cũng có va chạm giao thông vì người dân đi ngược chiều, có ngày xảy ra 2 - 3 vụ vì đường Minh Khai rộng hơn 4 làn xe, nhiều người điều khiển xe phóng nhanh, khi gặp phương tiện đi ngược chiều không thể xử lý kịp. Chỉ trong ít phút lập chốt tại ngõ Gốc Đề, giao với đường Minh Khai, tổ công tác Đội CSGT số 4 đã xử lý 5 trường hợp, tạm giữ 5 phương tiện.

Thiếu tá Nguyễn Triệu Hải - cán bộ Đội CSGT số 4 cho biết, các trường hợp vi phạm đều là người dân sinh sống trong ngõ Gốc Đề, khi bị giữ phương tiện đều viện lý do đi tắt để đến công sở, trường học cho nhanh dù biết rất nguy hiểm. Thiếu tá Hải cũng nhấn mạnh, cùng với xử lý, lực lượng cũng kết hợp với tuyên truyền để người dân đều nhận thức ra hành vi vi phạm gây nguy hiểm cho cộng đồng và cam kết không tái phạm.

Liên quan đến hành vi lái xe đi ngược chiều, đi vào đường cấm, mới đây (ngày 29/10), Công an quận Hà Đông đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và tạm giữ hình sự đối với Trần Thị Hoa. Trước khi bị tạm giữ, Hoa lái xe ô tô đi vào đường cấm gây tai nạn chết người và rời khỏi hiện trường.

Nhiều phương tiện đưa đón học sinh vi phạm giao thông.

Nhiều phương tiện đưa đón học sinh vi phạm giao thông.

Xuyên đêm chặn bắt xe quá tải

Những ngày qua, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cùng Thanh tra Sở GTVT đã bố trí các tổ tuần tra, kiểm soát để xử lý những xe tải chở vật liệu xây dựng tại các “điểm nóng”. Đó là khu vực bãi cát trên tuyến đê Liên Mạc hoặc phương tiện từ các dự án, công trình lưu thông ra đường Phạm Hùng, đường vành đai trên cao…

Tổ tuần tra do Thiếu tá Nguyễn Ngọc Mạnh, Đội CSGT số 6 làm tổ trưởng tiến hành tuần tra dọc tuyến đê Chèm, nơi có những bãi cát để kịp thời dừng kiểm tra đối với những xe tải “hổ vồ” chở vật liệu xây dựng có dấu hiệu vi phạm.

Đơn cử, rạng sáng 4/11, ngay sau khi tổ công tác dừng xe tải biển kiểm soát 29C-879.xx, lái xe đã gọi điện tìm “cứu viện”. Sau 30 phút không có “cứu viện”, lái xe đành quay lại chấp hành việc hướng dẫn của Cảnh sát giao thông đưa xe về trạm cân điện tử trên đường Phạm Hùng. Kết quả, xe trên quá tải từ trên 30% đến 50%.

Tương tự trên tuyến đường Phạm Hùng, đường vành đai 3 trên cao, tổ công tác do Đại úy Trương Xuân Hòa, Đội CSGT số 6 làm tổ trưởng tuần tra đã phát hiện hàng loạt xe tải “hổ vồ” chở đất từ một công trình trên địa bàn quận Cầu Giấy lưu thông mà không che phủ bạt.

“Quá trình xử lý, chủ các xe thường cho người bám theo tổ công tác, rồi báo cho tài xế dừng lại hoặc trốn vào trong ngõ “né” lực lượng chức năng. Vì vậy, tổ công tác thường xuyên tuần tra lưu động, khi phát hiện xe có dấu hiệu chở quá tải, không bảo đảm ATGT sẽ tiến hành dừng xe, kiểm tra, xử lý…”, Đại úy Trương Xuân Hòa nói.

Lực lượng chức năng xử lý vi phạm quá tải trọng.

Lực lượng chức năng xử lý vi phạm quá tải trọng.

Theo điều tra ban đầu, khi thấy lực lượng tuần tra trên tuyến, xe tải chở vật liệu vắng bóng hẳn hoặc chỉ cần chặn bắt, xử lý 1 trường hợp là lập tức các lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải thông qua hội nhóm trên mạng xã hội sẽ báo cho nhau tránh đoạn đường có tổ công tác làm nhiệm vụ.

Để công tác kiểm tra, xử lý mang lại hiệu quả, Phòng CSGT đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, hóa trang kết hợp với công khai, kịp thời phát hiện xử lý những xe tải chở vật liệu xây dựng lưu thông qua địa bàn, đảm bảo TTATGT. Đồng thời, Phòng CSGT và Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức “đánh chéo” mở rộng địa bàn.

Điển hình như xử lý trên tuyến Quốc lộ 21A qua địa huyện Thạch Thất, tổ công tác liên ngành kiểm tra tải trọng đối với ô tô đầu kéo biển kiểm soát 29H-738.xx. Ngay sau khi dừng xe, tài xế đánh phương tiện vào vị trí theo yêu cầu của tổ công tác nhưng rồi bất ngờ xuống xe bỏ đi.

Phải hơn 1 giờ sau, tổ công tác mới liên hệ được chủ xe yêu cầu tài xế quay lại chấp hành việc cân kiểm tra tải trọng… Kết quả, xe đầu kéo trên vi phạm chở quá tải mức từ 50% đến dưới 100%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ