Đi xe khi chưa hiểu luật
Ngày 29/8 vừa qua, Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 1, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội lập chốt tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý học sinh vi phạm luật giao thông tại ngã tư Hai Bà Trưng - Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm).
Chỉ ít phút sau khi lập chốt, tổ công tác đã phát hiện và xử lý hàng loạt học sinh điều khiển xe máy, xe máy điện vi phạm luật giao thông. Lỗi phổ biến đối với các em học sinh như: Điều khiển xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy…
Đơn cử, nam sinh tên M lớp 11 Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) khi bị tổ công tác yêu cầu dừng xe với lỗi điều khiển xe máy chở theo người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm.
Nam sinh trên cho biết, bố mẹ giao xe và dặn đi xe phải đội mũ bảo hiểm. “Hôm nay đèo theo bạn thì không biết cũng phải đội mũ và đoạn đường từ trường về nhà gần nên không để ý...”, nam sinh M bày tỏ. Tổ công tác Đội CSGT số 1 đã phải nhắc nhở và hướng dẫn, tuyên truyền các quy định cơ bản về Luật Giao thông đường bộ cho em học sinh này.
Tương tự, 2 nam sinh Trường THCS Thanh Quan (Hoàn Kiếm) không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy điện bị lực lượng CSGT dừng xe kiểm tra tỏ ra bối rối. “Em chỉ biết bố, mẹ mua xe cho để đi chứ cũng không biết phải mang xe ra làm biển số hay đăng kí thế nào...”, nam sinh trả lời.
Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh - Đội CSGT số 1 - cho biết, qua một số trường hợp mà tổ công tác phát hiện xử lý, phần lớn kiến thức pháp luật về trật tự ATGT của một số em học sinh còn hạn chế.
Vì vậy, nhà trường, đơn vị chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh là điều hết sức cần thiết và thường xuyên. Đặc biệt là vai trò của gia đình, các bậc phụ huynh, cần quan tâm đến con cái nhiều hơn nữa, khi trang bị phương tiện cho các em cần phải trang bị cả kỹ năng, kiến thức về pháp luật để các em tham gia giao thông được an toàn…
Theo Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh, trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện nhiều trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông. Trong đó, nhiều trường hợp các em học sinh không cố tình vi phạm mà do không nắm được luật nên mắc phải.
“Hàng năm, đơn vị chúng tôi có phối hợp với lực lượng Công an quận, nhà trường để phổ biến kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng điều khiển xe an toàn cho các em học sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, việc phổ biến kiến thức này chỉ là các buổi học ngoại khóa với thời lượng ngắn nên chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của các em. Việc trang bị các kỹ năng, luật giao thông vẫn cần sự phối hợp chính từ gia đình...”, Thiếu tá Vinh nói.
Thiếu tá Vinh cũng cho biết thêm, để tránh xảy ra tai nạn giao thông với học sinh do thiếu hiểu biết về luật, thiếu kỹ năng lái xe an toàn thì chính các bậc phụ huynh cần nghiêm túc chấp hành luật giao thông. Bởi chính các bậc phụ huynh biết con mình chưa đủ tuổi đi xe máy mà vẫn giao phương tiện cho con hoặc không sát sao nhắc nhở con em mình phải tuân thủ.
Kiểm soát chặt xe đưa đón học sinh
Tại Bắc Ninh, Ban ATGT tỉnh vừa có văn bản về việc tăng cường đảm bảo trật tự ATGT dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban ATGT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các cơ quan thành viên, Ban ATGT các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự ATGT, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, đặc biệt là trên đường cao tốc đến đông đảo người dân.
Kiên trì vận động nhân dân thực hiện “đã uống rượu bia - không lái xe”; “không sử dụng điện thoại khi lái xe”, “đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”; tuân thủ quy tắc giao thông; phòng ngừa những cung đường có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, đường ngang qua đường sắt, đường thủy nội địa...
Ông Nguyễn Hữu Bình - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết, Sở triển khai “Tháng cao điểm bảo đảm ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9”. Theo đó, các trường đẩy mạnh công tác giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên, tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện để bảo đảm ATGT.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự ATGT khu vực cổng trường. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ dịch vụ vận chuyển đưa đón học sinh. Tiếp tục triển khai mô hình “cổng trường an toàn”, “đi đến trường an toàn - về đến nhà an toàn”.
Trước đó (ngày 16/8), Thủ tướng Chính phủ có công điện về bảo đảm trật tự ATGT trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh mùng 2/9. Trong đó, yêu cầu lực lượng chức năng phối hợp với các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên đến trường.
Để triển khai “tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9”, Công an phối hợp với các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện để bảo đảm ATGT.
Công điện cũng nêu rõ, Công an phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự ATGT khu vực cổng trường học. Kiểm soát chặt dịch vụ vận chuyển đưa đón học sinh. Đồng thời, lực lượng chức năng tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT như: Tốc độ, nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người quy định, vi phạm tải trọng, không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định...
Thống kê từ Cục CSGT (Bộ Công an) cho thấy, trong thời gian 2 tháng thực hiện cao điểm (từ ngày 20/6 - 20/8) lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 474.775 trường hợp vi phạm trật tự ATGT. Qua đó, phạt tiền hơn 800 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn hơn 77.000 trường hợp và tạm giữ hơn 100.000 phương tiện các loại.