Gia tăng chất thải y tế
Đề án áp dụng cho các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng (trừ phòng khám bác sĩ gia đình; phòng chẩn trị y học cổ truyền; cơ sở dịch vụ đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp; chăm sóc sức khỏe tại nhà; cơ sở dịch vụ hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài; cơ sở dịch vụ kính thuốc; bệnh xá; y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức).
Đề án đánh giá thực trạng về tình hình phát sinh; hiện trạng phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại (rắn, lỏng) trên địa bàn thành phố; đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm đảm bảo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; đảm bảo kinh tế, hiệu quả và dễ quản lý theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đến năm 2020, tổng lượng chất thải y tế phát sinh một ngày trên địa bàn Hà Nội là 15,8 tấn/ngày |
Theo số liệu thống kê, tổng lượng chất thải y tế phát sinh trên địa bàn thành phố là khoảng 27.522 kg/ngày; trong đó chất thải y tế nguy hại khoảng 8.448 kg/ngày (chiếm khoảng 30%), chất thải rắn thông thường khoảng 19.074 kg/ngày. Dự báo đến năm 2020, khối lượng chất thải của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phát sinh trung bình khoảng 90 tấn/ngày; đến năm 2030 sẽ phát sinh khoảng 150 tấn/ngày.
Hiểm nguy từ chất thải y tế
Theo các chuyên gia y tế, việc tiếp xúc với các chất thải y tế có thể gây nên bệnh tật hoặc tổn thương cho cơ thể do các vật sắc nhọn (như kim tiêm). Các vật sắc nhọn này không chỉ gây nên những vết cắt, đâm mà còn gây nhiễm trùng các vết thương nếu vật sắc nhọn đó bị nhiễm tác nhân gây bệnh.
Như vậy, những vật sắc nhọn ở đây được coi là loại chất thải rất nguy hiểm bởi nó gây tổn thương kép (vừa gây tổn thương, vừa gây bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV...).
Hơn nữa, trong chất thải y tế lại chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như tụ cầu, HIV, viêm gan B. Các tác nhân này có thể thâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước, vết đâm xuyên, qua niêm mạc, qua đường hô hấp (do hít phải), qua đường tiêu hóa (do nuốt hoặc ăn phải).
Nước thải bệnh viện còn là nơi “cung cấp” các vi khuẩn gây bệnh, nhất là nước thải từ những bệnh viện chuyên về các bệnh truyền nhiễm cũng như trong các khoa lây nhiễm của các bệnh viện. Những nguồn nước thải này là một trong những nhân tố cơ bản có khả năng làm lây lan các bệnh truyền nhiễm thông qua đường tiêu hóa.
Đặc biệt, nguy hiểm khi nước thải bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến dịch bệnh cho người và động vật qua nguồn nước khi sử dụng nguồn nước này vào mục đích tưới tiêu, ăn uống...
Như vậy, nếu việc thu gom, phân loại và xử lý các chất thải y tế không đảm bảo đó sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và nhất là của những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải.
Cơ sở yếu kém trong phân loại chất thải
Hầu hết cấp y tế cơ sở đều yếu kém trong việc phân loại chất thải y tế |
Tại Hà Nội, chất thải rắn y tế nguy hại hiện đang được xử lý chủ yếu tại chỗ, xử lý theo cụm và xử lý tập trung; thu gom, xử lý 100% lượng chất thải nguy hại lây nhiễm thuộc khối công lập do thành phố quản lý, tương ứng 1,15 tấn/ngày theo đúng quy định.
Theo khảo sát, 31/2.956 cơ sở y tế tư nhân đã ký hợp đồng thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại với đơn vị có đủ chức năng, với tổng khối lượng thu gom, xử lý là 901 kg/ngày. Một số cơ sở y tế đã, đang áp dụng mô hình xử lý tại chỗ theo công nghệ đốt và công nghệ không đốt.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, lượng chất thải rắn phát sinh một ngày của các cơ sở do sở y tế quản lý (41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế huyện, 14 trung tâm chuyên khoa) khoảng 11 tấn/ ngày.
Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở y tế tư nhân, trạm y tế phường, xã việc phân loại, thu gom chưa tốt, thậm chí để lẫn rác y tế nguy hại với chất thải y tế thông thường và rác sinh hoạt... gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân.
Trong đó, có 9,249 tấn/ngày là chất thải rắn y tế thông thường 1,842 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại. Các trạm y tế xã/phường/thị trấn trung bình mỗi ngày thải ra từ 0,1 - 0,5 kg chất thải rắn y tế nguy hại và 1 - 4 kg chất thải rắn y tế thông thường.
Theo ước tính, đến năm 2020, tổng lượng chất thải y tế phát sinh một ngày trên địa bàn Hà Nội là 15,8 tấn/ngày, trong đó khối lượng chất thải y tế nguy hại là 3,16 tấn/ngày.
Theo UBND TP Hà Nội, đến năm 2020, 100% chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn; 100% các bệnh viện, trung tâm y tế do thành phố quản lý có hệ thống xử lý đạt chuẩn ra môi trường; 100% các cơ sở y tế phải có hệ thống phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải y tế nguy hại theo quy định...
Năm 2025, 100% chất thải y tế nguy hại (rắn, lỏng) tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP Hà Nội được thu gom, xử lý đạt chuẩn môi trường.