Mạnh tay xử lý
Trước kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm chiều 18/6, nhiều cử tri đã chất vấn thành phố liên quan đến những vi phạm tại công trình 8B Lê Trực chưa được xử lý dứt điểm.
Ông Nguyễn Tiến Trụ cử tri phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, xử lý phần “phình ra” của tòa nhà 8B Lê Trực phức tạp hơn rất nhiều so với “cắt ngọn”. “Tôi nghĩ phần này cực kỳ phức tạp, tốn kém và liên quan đến an ninh trật tự. Việc phá dỡ phần dọc tòa nhà còn liên quan đến an toàn của cư dân sống quanh đó. Tôi đề nghị thành phố cùng Bộ Xây dựng giải quyết vấn đề này trong thời gian sớm nhất”, ông Trụ nói.
Ông Trụ cũng đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ thời gian xử lý dứt điểm phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực (quận Ba Đình).
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, thành phố cũng theo dõi diễn biến ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về tòa nhà 8B Lê Trực. Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2016, thành phố đã giao thanh tra tiến hành thanh tra, xử lý cán bộ các cấp có vi phạm. Thành phố đã giao cho quận Ba Đình cưỡng chế xong tầng 19 của tòa nhà 8B Lê Trực, nhưng công trình này không chỉ vi phạm về độ cao mà còn vi phạm ngay từ tầng hầm, xây dựng lấn ra vỉa hè.
“Viện Nghiên cứu của Bộ Xây dựng đã thẩm định và cho rằng nếu cắt tầng 17 - 18 thì không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, thời gian qua chúng tôi chỉ đạo quận Ba Đình tiến hành trưng cầu giám định với một số đơn vị khác. Trong thời gian tới chúng tôi cương quyết thực hiện cưỡng chế để giữ nghiêm kỷ cương”, ông Chung nói.
Người đứng đầu thành phố Hà Nội cho biết, để đảm bảo kỷ cương, phép nước, kể cả đập cả tòa nhà 8B Lê Trực thì cũng phải đập, bởi vì xây sai từ móng, từ tầng 1. “Nhưng chủ đầu tư có thể nói là rất cùn. Trên địa bàn thành phố, chủ đầu tư này có xây 4 công trình, 93 Lò Đúc, 302 Cầu Giấy, 102 đường Trường Chinh và 8B Lê Trực. Công trình nào cũng sai phạm. Chúng tôi đã quyết định chuyển 3 hồ sơ sai phạm của chủ đầu tư này (8B Lê Trực, 102 Trường Chinh và 302 Cầu Giấy) sang Công an thành phố xử lý theo pháp luật hình sự”, ông Chung nói thêm.
Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Việc chậm xử lý công trình 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói: “Tôi nhận trách nhiệm chậm xử lý phần sai phạm tại công trình này… Sự chậm trễ này là do đặt vấn đề an toàn cho toà nhà, cho người dân sau này ở đó”, Chủ tịch Hà Nội nêu lý do.
|
Xem xét lại quy hoạch đất rừng
Ngay sau khi Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV kết thúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn. Tại đây, nhiều cử tri kiến nghị thành phố bóc tách khu vực chồng lấn đất rừng Sóc Sơn với khu dân cư, trong đó có các hộ dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí.
Cụ thể, cử tri Đỗ Thị Thanh Hà (xã Minh Trí) cho biết, từ năm 1986 đến nay bà con thôn Minh Tân đã vào khu vực hồ Đồng Đò khai hoang vùng kinh tế mới theo “tiếng gọi” của TP và huyện. Do vậy, theo bà Hà, nhân dân thôn Minh Tân xứng đáng được hưởng quyền lợi hợp pháp về đất đai như quy định của pháp luật. Kết luận của Thanh tra TP Hà Nội cách đây gần nửa năm về đất rừng Sóc Sơn dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong đó cả thôn Minh Tân bị khủng hoảng về mặt tinh thần, nhất là những hộ dân bị cưỡng chế nhà ở và thu hồi đất. Cử tri Hà kiến nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cấp xem xét tính pháp lý của quy hoạch rừng năm 2008.
Cùng với quan điểm trên, cử tri Nguyễn Viết Thắng cho rằng, kết luận của Thanh tra TP Hà Nội chỉ tập trung làm rõ vấn đề thực hiện quy hoạch và sử dụng đất rừng Sóc Sơn, hoàn toàn không xem xét việc lập quy hoạch có đúng hay không; Đề nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội cho kiểm tra lại kết luận của Thanh tra thành phố về đất rừng của huyện Sóc Sơn, đặc biệt là tại xã Minh Trí.
Liên quan đến những nội dung kiến nghị trên, ông Nguyễn An Huy – Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội mong cử tri huyện Sóc Sơn yên tâm vì những trường hợp khai hoang đất rừng trước đây sẽ được bảo đảm theo quy định của pháp luật. Ông Huy cũng khẳng định việc thanh tra quá trình sử dụng đất rừng Sóc Sơn là hoàn toàn đúng thẩm quyền.
Theo ông Huy, đơn vị này không thanh tra việc lập quy hoạch có đúng hay không. Quá trình thanh tra, Thanh tra TP dựa trên hồ sơ đã có để đối chiếu với quy định của pháp luật đánh giá việc tổ chức sử dụng đất.
Chánh Thanh tra TP Hà Nội cho biết, từ năm 1998, rừng Sóc Sơn được quy hoạch 6.630 ha. Đến năm 2006, Thanh tra Chính phủ kết luận, trong 6.630 ha đất rừng, có 955,7 ha chồng lấn vào đất ở và một số loại đất khác. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị TP Hà Nội phối hợp với Bộ NN&PTNN xây dựng lại quy hoạch đất rừng Sóc Sơn. Đến năm 2008, TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt quy hoạch đất rừng Sóc Sơn chỉ còn khoảng 4.500 ha (bỏ 955,7 ha đất chồng lấn ra ngoài quy hoạch).
Theo ông Huy, khi Thanh tra thành phố vào cuộc thì huyện Sóc Sơn đã lập hồ sơ vi phạm đối với 68 công trình xây dựng trong năm 2017 - 2018. Do vậy, kiến nghị xử lý 68 công trình này của Thanh tra thành phố cũng chỉ dựa trên hồ sơ đã có của huyện Sóc Sơn.
Trước những kiến nghị của cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, huyện Sóc Sơn đã rất chủ động thực hiện việc xem xét trách nhiệm, xử lý vi phạm của các cá nhân liên quan. Thành phố cũng đã làm rất nghiêm túc, xử lý vi phạm của cán bộ từ thành phố tới các sở, ngành. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải giao các cấp ngành liên quan phối hợp với các bộ, ngành xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định của pháp luật.