Hà Nội: Ngăn giá đất leo thang ở địa bàn làng lên phố

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia kinh tế - bất động sản (BĐS) cho rằng, việc huyện ngoại thành lên quận là cấp thiết. Nhưng khi “làng lên phố” phải quản lý tốt giao dịch BĐS, ngăn giá đất leo thang

Hà Nội xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, buông lỏng vi phạm về quản lý đất đai.
Hà Nội xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, buông lỏng vi phạm về quản lý đất đai.

Khi “làng lên phố”

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành chương trình 04 về xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, tập trung xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí đô thị tại 5 huyện sẽ lên quận giai đoạn 2021 - 2025 (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng). Giai đoạn 2026 - 2030 có thêm 3 huyện lên quận (Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh).

Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận do Chủ tịch Chu Ngọc Anh làm trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, phát triển năm huyện nói trên trở thành quận thuộc thành phố Hà Nội. Trưởng ban Chỉ đạo phân công trách nhiệm cụ thể các thành viên Ban Chỉ đạo.

Trước đó, huyện Hoài Đức đã được định hướng lên quận từ năm 2020. Tuy nhiên, do chưa đạt các tiêu chí nên phải lùi thời gian đến cuối năm 2021 hoặc 2022. Bốn huyện còn lại (Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) được thành phố phê duyệt đề án đầu tư để lên quận trong giai đoạn 2021 - 2025.

Việc 5 huyện sẽ lên quận giai đoạn 2021 - 2025 khiến đất nền, đất thổ cư tại đây nhận được độ quan tâm lớn trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định: “Nội đô đang quá tải.

Tính đồng bộ, hiện đại từ giao thông, y tế, giáo dục… chưa được phát huy. Do vậy, cần khu vực mới, dư địa mới để có đủ không gian, diện tích phát triển theo hướng đột phá hiện đại”.

Theo ông Đính, muốn huyện thành quận thì phải đầu tư (hạ tầng đô thị) để đáp ứng các tiêu chí. Hiện nay mới chỉ đồng ý về quy hoạch, chủ trương chính sách để có lộ trình phát triển lên quận.

Nhà nước, doanh nghiệp phải huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư thành đô thị. Rõ ràng phải có lộ trình và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp mới làm được.

Nhưng để làm được cần kiểm soát giao dịch đất đai. “Việc thổi giá sẽ làm xáo trộn và rào cản kìm hãm nhà đầu tư thực sự, chuyên nghiệp vì chi phí quá lớn...”, ông Đính phân tích.

Nói về giải pháp, ông Đính cho rằng: “Các hoạt động đầu tư có cải tạo đất đai phải đúng pháp luật nếu không sẽ trở thành phá vỡ mọi quy hoạch… Bỗng nhiên có quy hoạch nhưng chưa có đầu tư (đường giao thông, hạ tầng cơ sở, dịch vụ...) mà tăng giá lên gấp đôi, gấp ba, thậm chí vài chục lần là ảo. Thông thường tăng vài phần trăm do ảnh hưởng từ các thông tin về phát triển mới thì có thể chấp nhận được…”, ông Đính nói.

Theo ông Đính, việc tăng giá đất quá cao gây cản trở, giảm đầu tư. Nhất là các nhà đầu tư phải sử dụng “đòn bẩy” tài chính.

“Đông Anh, Gia Lâm có thời điểm tăng đến hơn 100 triệu/m2 đất, thì gần bằng với khu đất ở Nam Từ Liêm, Cầu Giấy. Trong khi đó, khu vực nội thành đã được đầu tư bài bản, ngoại thành thì chưa mà giá đất ngang bằng, chạy trước.

Có dự án ở Gia Lâm giao dịch bán 120 triệu/m2 người đăng ký khi đến mua khi nghe giá rút hết. Do vậy, giá lên quá cao không giải quyết được bài toán tiêu thụ...”, ông Đính lấy ví dụ.

Chặn “thổi giá” bất động sản

Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tại Thủ đô Hà Nội, quý I/2021 ghi nhận có sản phẩm đủ điều kiện bán hàng ra thị trường.

Tuy nhiên, phần lớn lượng sản phẩm này đã được chào bán từ Quý IV/2020, một phần chưa được chào bán ra thị trường. Như vậy, có thể thấy gần như không có lượng hàng mới cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Thị trường BĐS Quý I/2021 chủ yếu bán các căn hộ còn tồn từ năm 2020, thuộc phân khúc trung và cao cấp. Sản phẩm căn hộ tập trung các khu vực Tây, Nam Hà Nội, khu vực bờ Bắc sông Hồng.

Tuy nhiên, một số khu vực bên ngoài dự án có hiện tượng sôi động, nhộn nhịp tại một số khu vực như Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Khi có thông tin chuẩn bị công bố quy hoạch đô thị ven sông Hồng.

Theo đó, giá đất trong dân tại các khu vực vùng ven hiện bị đẩy lên khoảng 50 – 60% so với Quý IV/2020, có những nơi tăng 100%. Hiện nay, giá đất tại các vùng ven đô, chuẩn bị lên Quận đang ở ngưỡng 30 – 50tr/m². Mặt khác, giá đất trong dân tại các Quận nội thành lại gần như không có biến động.

Trước thực trạng trên, ngày 25/4 UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố. Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan cùng chính quyền địa phương công bố công khai về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án... để minh bạch thông tin. Ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn nhằm đẩy giá BĐS để trục lợi bất hợp pháp.

Thành phố giao Sở TN&MT, Sở Tài chính khẩn trương thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất. Qua đó, nhằm bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản; tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án BĐS đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đặc biệt, là các dự án BĐS nhà ở cao cấp để xử lý theo hướng kiên quyết thu hồi đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc chậm triển khai...

Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã có giải pháp ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống người dân.

Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán BĐS, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý... vi phạm về đất đai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.