Hà Nội: Nắng nóng kinh hoàng, một người đàn ông hôn mê nằm gục ở vỉa hè

GD&TĐ -  Khi đưa vào viện, thân nhiệt của nam bệnh nhân là 41 độ, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng , hiện người bệnh vẫn đang được bác sĩ cấp cứu.

Hà Nội: Nắng nóng kinh hoàng, một người đàn ông hôn mê nằm gục ở vỉa hè

Khoảng hơn 10 giờ sáng ngày 4/7, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận một nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, thân nhiệt lên đến 41 độ, trước đó bệnh nhân được phát hiện khi đang nằm gục bên vệ đường.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng cấp cứu tổng hợp, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, với tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ nghiêng nhiều về khả năng bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng.

Sau khi được đưa vào viện, các bác sĩ đã tích cực cấp cứu người bệnh, hơn 1 tiếng tích cực hạ nhiệt, hiện thân nhiệt nam bệnh nhân này đã xuống 38,5 độ, nhưng vẫn đang trong tình trạng hôn mê, các bác sĩ vẫn đang tiến hành đánh giá các tổn thương khác.

TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, do bệnh nhân nằm ở vỉa hè nên chưa xác minh được nhân thân, vì thế chưa thể khai thác được tiền sử bệnh trước đó. Bởi vậy, bước ban đầu các bác sĩ đã khẩn trường sơ cứu và tiến hành điều trị để tránh những di chứng để lại sau này.

Việc cần làm khi gặp người bệnh bị say nắng, sốc nhiệt đó là phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo, chườm mát vào cổ, bẹn, nách và lau người…

Theo TS Anh Tuấn, trong những ngày nắng nóng như hiện nay rất dễ xảy ra tình trạng say nắng, sốc nhiệt và ngã ra đường. Khi gặp những người có nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện như mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa… ưu tiên đầu tiên là sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.

Thậm chí, có thể dùng chai nước mát đổ lên người, nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh. Nói tóm lại, trong trường hợp này cần phải hạ thân nhiệt người bệnh càng nhanh càng tốt, bằng bất cứ biện pháp nào", TS Tuấn Anh chỉ dẫn.

Với điều kiện nắng nóng như hiện nay, để phòng ngừa say nắng, sốc nhiệt TS Tuấn Anh khuyến cáo, đối người những người thường xuyên lao động ở ngoài trời cần có phương tiện bảo hộ lao động, che kín những phần "nguy hiểm" như đỉnh đầu, gáy…và uống nhiều nước. Hạn chế ra ngoài trời ở những thời điểm nhiệt độ lên cao, khoảng 11h đến 15 giờ.

Theo Tin tức online

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ