Hà Nội: Minh bạch để chống lạm thu

GD&TĐ - Việc minh bạch các khoản thu sẽ 'cởi trói' những bất cập, góp phần ngăn chặn tình trạng lạm thu tại mỗi cơ sở giáo dục.

Nhà trường tăng cường thông tin để phụ huynh học sinh nắm rõ quy định cụ thể từng khoản thu nhằm tạo sự minh bạch. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường THCS Giảng Võ. Ảnh minh họa: TG
Nhà trường tăng cường thông tin để phụ huynh học sinh nắm rõ quy định cụ thể từng khoản thu nhằm tạo sự minh bạch. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường THCS Giảng Võ. Ảnh minh họa: TG

Nỗi lo thường trực

Trước thềm năm học mới 2024 - 2025, một vài diễn đàn của phụ huynh học sinh TP Hà Nội xôn xao câu chuyện thu - chi được cho là diễn ra tại Trường THCS Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). Theo thông tin phản ánh, trong cuộc họp phụ huynh diễn ra ngày 24/8, nhà trường chủ trương thu 200.000 đồng/học sinh để làm phông bạt che nắng ở sân trường.

Trước thông tin trên, có phụ huynh cho rằng, với tổng số gần 1.000 học sinh, thì số tiền 200 triệu đồng để làm phông bạt chưa phù hợp. Ngoài ra, là thông tin mỗi học sinh đóng 20.000 đồng/tháng để dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cây xanh (không quét lớp học); đóng 50.000 đồng/tháng để in sao tài liệu nhưng giáo viên vẫn gửi file bài tập vào nhóm lớp để phụ huynh tự đi in...

Liên quan đến sự việc trên, chiều 6/9, ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết, quan điểm chỉ đạo của UBND huyện cũng như phòng là quán triệt tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện (mầm non, tiểu học, THCS - PV) thực hiện theo đúng quy định về công tác thu - chi.

“Nhà trường hoặc hiệu trưởng nào để xảy ra tình trạng lạm thu sẽ kiểm điểm, xử lý theo đúng quy định, từ đánh giá, nhắc nhở… đến kỷ luật, năm học trước (2023 - 2024) đã thực hiện nghiêm...”, ông Ngát nhấn mạnh.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, đầu năm học thường xảy ra hiện tượng phụ huynh bàn tán về các khoản thu chi, đăng thông tin lên mạng xã hội gây ra những “điều này điều khác” và Trường THCS Vạn Phúc là một ví dụ.

“Nhà trường mới có chủ trương, nhưng chưa thu - nộp bất kỳ khoản nào. Phụ huynh trong quá trình bàn bạc, chưa thống nhất với nhau dẫn tới khi tranh luận đăng thông tin lên mạng xã hội, mang tính chất cá nhân để giành nhiều ý kiến quan điểm của mình với nhóm phụ huynh khác. Qua đó làm ảnh hưởng đến nhà trường… Công an huyện Thanh Trì đã vào cuộc xác minh và yêu cầu phụ huynh đăng bài gỡ xuống…”, ông Ngát thông tin.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cũng nhắc lại bài học ở Trường THCS Tứ Hiệp trong năm học 2023 - 2024 về công tác thu chi. “Ngay sau sự việc của Trường THCS Tứ Hiệp, UBND huyện và ngành chấn chỉnh, tiến hành xử lý khiển trách đối với một số cán bộ.

Do cách tuyên truyền triển khai các bước đến phụ huynh học sinh chưa hiểu, rõ và đồng thuận để thực hiện. Những khoản thu được Bộ GD&ĐT, HĐND TP Hà Nội cho phép quy định hàng năm thì nhà trường được thu chi, còn khoản theo quy trình hướng dẫn thì bắt buộc phải được thống nhất, Phòng GD&ĐT tham mưu để được UBND Thanh Trì duyệt, cho phép… mới được thu…”, lãnh đạo Phòng GD&ĐT Thanh Trì nói.

Không thu gộp đầu năm

Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước - hơn 2.900 trường học, gần 2,3 triệu học sinh, việc tăng tính minh bạch của từng khoản thu cùng những quy định liên quan là yêu cầu được Hà Nội quán triệt nhằm giảm hiện tượng lạm thu, hạn chế tối đa bức xúc.

Ngoài ra, đây là năm học đầu tiên các trường học ở Hà Nội áp dụng Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND (ngày 29/3/2024) của HĐND thành phố quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục.

Việc minh bạch các khoản thu với mức trần cụ thể để áp dụng thống nhất toàn thành phố là tin vui với các gia đình học sinh với kỳ vọng không còn hiện tượng cùng một khoản thu nhưng mỗi trường lại có mức thu khác nhau, hoặc mỗi trường tự đặt ra số lượng các khoản thu không giống nhau.

Nghị quyết quy định rõ mức trần của từng khoản thu của từng dịch vụ trong trường học. Ví dụ, dịch vụ tiền ăn của học sinh có mức trần là 35.000 đồng/học sinh/ngày đối với bữa trưa, 20.000 đồng/học sinh/ngày đối với bữa sáng; dịch vụ chăm sóc bán trú là 235.000 đồng/học sinh/tháng; dịch vụ học 2 buổi/ngày là 235.000 đồng/tháng; dịch vụ nước uống là 16.000 đồng/học sinh/tháng...

Các dịch vụ lần đầu tiên có trong danh mục như: Dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô có mức thu là 10.000 đồng/học sinh/km, tiền ở của học sinh nội trú (400.000 đồng/học sinh/tháng), hoạt động giáo dục kỹ năng sống (15.000 đồng/giờ dạy), chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ, bao gồm dịch vụ trông giữ trước và sau giờ học chính khóa, không bao gồm tiền ăn (12.000 đồng/học sinh/giờ), chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ, bao gồm dịch vụ trông giữ trong các ngày nghỉ, không bao gồm tiền ăn (96.000 đồng/học sinh/ngày)...

Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình, Lê Đức Thuận nhận định, với danh mục này, các nhà trường có hành lang pháp lý để triển khai các dịch vụ hỗ trợ giáo dục học sinh căn cứ theo nguyện vọng của phụ huynh.

Nghị quyết cũng gỡ khó cho các trường khi trước đây vẫn phải thực hiện các khoản thu hợp lý do đáp ứng nhu cầu của phụ huynh (để phục vụ học sinh) nhưng không hợp pháp (do không có trong quy định nào).

Ông Lê Đức Thuận cũng cho biết, năm học mới 2024 - 2025, phòng đã họp quán triệt triển khai nhiệm vụ đầu năm giao trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị không được để xảy ra tình trạng lạm thu.

“Các trường không thu gộp các khoản thu trong năm vào đầu năm học, chỉ thu những hoạt động thiết yếu. Những khoản thuộc về ngân sách được chi thì phải ưu tiên, không được lạm dụng xã hội hóa…”, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình lưu ý.

Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi ngay từ những ngày đầu năm học, kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin phản ánh hiện tượng lạm thu, xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng nhà trường có sai phạm.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường không thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm. Đồng thời không được thực hiện hoặc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Các phòng GD&ĐT công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến các hoạt động giáo dục, trong đó có thu chi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.