Sáng 29/5, cư dân ngõ 38 Phương Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) phát hiện biển cấm đỗ xe ở đầu ngõ được thay bằng biển cho phép đỗ xe.
Được biết, khu vực này có biển cấm nhưng do đường vắng, đi lại thuận tiện nên tài xế thường xuyên đỗ xe, lực lượng công an liên tục kiểm tra, nhắc nhở và đã xử phạt hành chính nhiều tài xế vi phạm.
Việc người nào đó đã "biến hóa" biển cấm đỗ xe bằng biển được đỗ xe khiến người dân trong khu vực bất ngờ và bức xúc.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, lực lượng chức năng đã tiến hành tháo dỡ tấm biển báo giả và tìm biển báo gốc đưa vào vị trí cũ.
Thông tin này sau đó được đăng tải trên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của rất nhiều thành viên cộng đồng mạng. Nhiều người đặt câu hỏi: Việc quản lý biển báo ở khu vực là trách nhiệm của cơ quan nào? Việc ngang nhiên "tráo biển báo" như thế có vi phạm không, bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Công an phường Phương Mai cho biết việc quản lý biển báo giao thông là do UBND phường, quận quản lý, do đó, việc xử lý thế nào do các cơ quan này quyết định.
Khi phóng viên phản ánh thông tin vụ việc, Chủ tịch UBND phường Phương Mai, bà Hoàng Thị Bảo Phương cho biết: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay!”.
Bà Phương cho biết hiện chưa xác định được đối tượng thay biển: “Phải xác định được đối tượng nào thay biển mới xử lý được. Khi chưa tìm được đối tượng, cơ quan chức năng phải tiến hành thay biển mới (biển cấm đỗ xe –PV) như ban đầu”.
Phân tích ở góc độ pháp luật đối với sự việc này, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết: “Việc lắp đặt biển báo hiệu giao thông phải được thực hiện theo đúng Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.
Việc dừng đỗ xe trước cửa nhà riêng, cửa hàng nếu ở trong các tuyến phố nội đô có vỉa hè tại Thủ đô cũng cần phải thực hiện theo quy định, người dân không được quyền dừng đỗ xe tùy ý, kể cả là trước cửa nhà riêng, cửa hàng riêng. Như vậy, chỉ có cấp tỉnh mới có thẩm quyền quy định nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ...
Giả sử, nếu UBND phường cho phép đặt biển báo cấm đỗ xe ô tô, đây sẽ là hành vi vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Đề nghị Sở Giao thông Vận tải tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Còn hành vi tháo biển rồi vứt nơi khác được xem là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, có thể bị phạt tiền lên đến từ 2-5 triệu đồng theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Nếu thiệt hại nặng, người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.