Hà Nội hỗ trợ học phí cho sinh viên, học sinh vụ cháy chung cư mini

GD&TĐ - Kỳ họp thứ 13, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Nhiều hoạt động hỗ trợ gia đình nạn nhân vụ cháy chung cư mini.
Nhiều hoạt động hỗ trợ gia đình nạn nhân vụ cháy chung cư mini.

Kỳ họp thứ 13, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng nhằm bảo đảm an sinh xã hội sau vụ hỏa hoạn chung cư mini, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong đó có quyết sách hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên…

Hỗ trợ học sinh, sinh viên

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại kỳ họp.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại kỳ họp.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) sáng 22/9, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, vụ cháy tại nhà số 37 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và rất đáng tiếc đã gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhân dân.

Tại kỳ họp, HĐND TP Hà Nội đã quyết định 7 nội dung, trong đó có hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên cư trú tại địa chỉ số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, đang học tại các trường (mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GDTX, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học).

Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/học sinh, sinh viên. Nguồn kinh phí từ ngân sách quận Thanh Xuân, hình thức hỗ trợ: 1 lần bằng tiền mặt.

Bên cạnh đó, hỗ trợ tiền chăm sóc trẻ em mồ côi có cha (mẹ) hoặc cả cha và mẹ tử vong tại thời điểm xảy ra vụ cháy hoặc trong thời gian cấp cứu và điều trị. Với trẻ em mồ côi cả cha và mẹ mức hỗ trợ là 100 triệu đồng/trẻ; trẻ em mồ côi cha (hoặc mẹ), mức hỗ trợ 70 triệu đồng/trẻ.

Thành phố quyết định hỗ trợ đại diện thân nhân người tử vong 50 triệu đồng/người (bao gồm 22 triệu đồng kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 20/2021 của Chính phủ; 5 triệu đồng từ nguồn ngân sách quận Thanh Xuân và 23 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố).

Kinh phí hỗ trợ này không bao gồm kinh phí trợ cấp xã hội hằng tháng đối với trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố và ngân sách quận Thanh Xuân. Hình thức hỗ trợ 1 lần bằng tiền mặt cho người chăm sóc trẻ.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, trước hậu quả nặng nề của vụ cháy, lãnh đạo Trung ương, TP Hà Nội và các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân thành phố cũng như cả nước đã kịp thời thăm hỏi, động viên, quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ vật chất đối với các gia đình người bị nạn.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội khẳng định, đây là việc làm ý nghĩa, cần thiết để tiếp tục quan tâm, chia sẻ, động viên, hỗ trợ về vật chất, tinh thần đối với các gia đình, nạn nhân bị ảnh hưởng vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Bổ sung 11 dự án thu hồi đất

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục 11 dự án thu hồi đất năm 2023 với diện tích 53,25ha.

Cụ thể đó là các dự án: Xây dựng mới trụ sở làm việc của TAND huyện Ba Vì; đăng ký mới thực hiện trong Dự án Xây dựng đường vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; xây dựng trụ sở Viện KSND huyện Mỹ Đức; xây dựng trụ sở làm việc Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức, xây dựng trụ sở làm việc phường Phú Đô; xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố số 5 (phường Mỹ Đình 2).

HĐND TP Hà Nội thông qua nhiều nghị quyết quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa.

HĐND TP Hà Nội thông qua nhiều nghị quyết quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa.

Xây dựng tuyến đường từ phố Trịnh Văn Bô kéo dài nối với phố Kiều Mai; xây dựng tuyến đường sau trụ sở Bộ Ngoại giao (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm); xây dựng tuyến đường từ phố Trịnh Văn Bộ kéo dài đến khu đấu giá ĐGI Phương Canh (quận Nam Từ Liêm); đầu tư xây dựng tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính và Dự án Khu nhà ở Tây Mỗ (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm).

HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường 35 đoạn giữa tuyến (từ Km 4+469,12 đến Km 12+733,35) huyện Sóc Sơn và Dự án Kho 190/Cục Xăng dầu, hạng mục: Vành đai an toàn PCCC kho xăng dầu K95/K190/CXD tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn).

Theo nghị quyết, tổng diện tích chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Kho 190/Cục Xăng dầu (hạng mục như đã nêu ở trên) là 4,74ha. Vị trí dự án tại 22 lô thuộc khoảnh 612 và 12a của tiểu khu 397 trên địa giới hành chính xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Chức năng rừng là rừng phòng hộ, loại rừng hiện nay là rừng trồng cây thông, keo, bạch đàn.

Cũng theo nghị quyết, HĐND TP Hà Nội đã thông qua việc phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng 3.686,8m2 rừng phòng hộ tại vị trí lô 8.3 khoảnh 15 địa giới hành chính xã Hiền Ninh, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) sang mục đích khác để thực hiện Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến đường 35 huyện Sóc Sơn.

Tại kỳ họp, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn thuộc quận Gia Lâm. Với tỷ lệ thống nhất cao các nghị quyết đã kịp thời quyết định các nội dung, cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.