Hà Nội hào hoa từ điện ảnh đến ca khúc trang lịch sử

GD&TĐ - Mỗi góc phố, con người Hà Nội xưa đến nay không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tác cho nghệ thuật, mà còn là chất liệu hấp dẫn cho điện ảnh. Đặc biệt, mỗi độ thu về, người Hà Nội lại nao nao nhớ về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, để rồi ngân lên bản hùng ca chiến thắng, cũng như những thước phim tài liệu xuôi về lịch sử.

Bộ phim “Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh do diễn viên Lan Hương thủ vai chính.
Bộ phim “Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh do diễn viên Lan Hương thủ vai chính.

Ca khúc “dự cảm” về chiến thắng Thủ đô!

Không thể đếm được đã có bao nhiêu ca khúc viết về Hà Nội, nhất là những câu ca từ những ngày đầu khói lửa của cuộc chiến tranh cho đến khi đất nước thanh bình. Thế nhưng, không chỉ người Hà Nội xưa mà thế hệ ngày nay trên mọi miền Tổ quốc đều nhớ đến “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, “Hà Nội những bản tình ca”, “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”, “Hướng về Hà Nội”… Tuy nhiên, 2 ca khúc như dự cảm về ngày chiến thắng, ghi dấu lịch sử trên mảnh đất Thủ đô là “Tiến về Hà Nội” và “Người Hà Nội” luôn được cất lên khí thế, hào hùng khắp phố phường Thủ đô ngày kỷ niệm giải phóng.

Quả thật, mỗi nhạc phẩm viết về Hà Nội đều có sắc thái riêng. Đó là tiếng lòng, là cảm xúc của mỗi tác giả. Nhưng hai nhạc phẩm của hai con người tài hoa đó là “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao, và bài “Người Hà Nội” của thi sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi luôn khiến người nghe cảm nhận rõ nhất về Hà Nội trong ngày chiến thắng. Cả hai ca khúc đặc biệt này đều được viết trước Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, như một dự cảm về ngày chiến thắng, ghi dấu lịch sử trên mảnh đất Thủ đô thân yêu.

“Tiến về Hà Nội” không phải là ca khúc sáng tác khi Thủ đô đã lặng im tiếng súng, mà được sáng tác năm 1949, từ khi còn đang chiến tranh.

Ca khúc ngân lên với khí thế sôi nổi, đầy phấn chấn, reo vui của lòng người và của âm nhạc như để viết riêng cho Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Mỗi câu hát cất lên “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về”… như dự cảm của người nhạc sĩ về hình ảnh có thực của một cuộc “tổng phản công” đánh dấu ý nghĩa to lớn trong lịch sử dân tộc.

Sáng tác trước đó 5 năm, thế nhưng nội dung bài hát lại hoàn toàn phù hợp với chiến thắng giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

Khi còn sống, nhạc sĩ Văn Cao đã từng chia sẻ về hoàn cảnh xuất xứ của ca khúc này: “Thời điểm đó, riêng phần nhiệm vụ công tác của tôi là phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân Thủ đô”. Chính điều này đã khơi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ chắp bút viết lên “Tiến về Hà Nội”.

5 năm sau khi sáng tác bài hát này, khi cất lên giai điệu đầy hào sảng, người ta chợt nhận thấy có lẽ, không có ca khúc cách mạng nào lại hợp khi hát vào Ngày Giải phóng Thủ đô như bài “Tiến về Hà Nội”, bởi nó như nhìn thấu trước tất cả về ngày chiến thắng. Mỗi ca từ là khí thế hiên ngang, không chỉ là tình cảm của tác giả mà như nói hiệu triệu người dân Thủ đô lúc đó: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào. Chảy dòng sương sớm long lanh…”.

Cho đến hôm nay, sau 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, cũng đúng dịp tiết thu Hà Nội se lòng, nhân dân lại được cất nhịp bài ca “Tiến về Hà Nội” như bản hùng ca bất tử trường tồn cùng lịch sử của dân tộc.

Hà Nội linh thiêng, hào hoa, yêu chuộng hòa bình

Những gương mặt gắn liền với các tác phẩm điện ảnh kinh điển về Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ.
Những gương mặt gắn liền với các tác phẩm điện ảnh kinh điển về Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ.

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi viết: “Bài hát “Người Hà Nội” tôi viết đầu năm 1947, dịp gần Tết Đinh Hợi. Khi đó, Hà Nội đang chiến đấu rất quyết liệt. Tôi có vào làng Khúc Thủy bên bờ sông Nhuệ, đối diện với làng Cự Đà. Bên kia sông là trạm quân y lớn nhất của ta tiếp nhận thương binh từ Hà Nội đưa về. Tiếng súng và những cảnh tượng hùng tráng hiện ra…”.

Và đây cũng chính là bài hát sáng tác trước Ngày Giải phóng Thủ đô như một dự cảm ngày chiến thắng. Lời bài hát cất lên hùng hồn: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…” như khẳng định sự trở về bình yên của từng con phố, dòng sông, như lời hứa với non sông đã thực hiện được, như khúc ca hùng tráng trong không khí Hà Nội phấp phới cờ hoa rộn rã.

Trải qua bao nhiêu năm tháng, bài hát như gắn bó với máu thịt của người Hà Nội, của Thủ đô ngàn năm văn hiến và bây giờ, mai sau, dù trải qua bao nhiêu thế hệ đi chăng nữa, sức sống của hai bài hát này vẫn luôn còn mãi với thời gian.

Sau ngày đất nước giải phóng, có không ít những bộ phim về lịch sử dân tộc, từ giải phóng miền Nam đến Thủ đô Hà Nội đã được dựng thành phim như “Cánh đồng hoang”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Hà Nội mùa đông năm 1946”... Tuy nhiên, bộ phim “Em bé Hà Nội” có lẽ đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với người dân cả nước, lấy đi nước mắt của bao thế hệ và chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng khán giả về những bộ phim thuộc thể loại chiến tranh.

“Em bé Hà Nội” là một bộ phim nhựa do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1974 và đạo diễn Hải Ninh cùng nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ thực hiện. Bộ phim khắc họa cuộc sống Hà Nội năm 1972 khi quân đội Hoa Kỳ tiến hành chiến dịch Linebacker II, ném bom miền Bắc Việt Nam. Bộ phim thực sự khiến khán giả không khỏi xúc động về cô bé Ngọc Hà tìm mẹ dưới làn bom đạn. Khi tìm được mẹ cũng là biết mẹ đã hi sinh khi cứu các em nhỏ khác thoát khỏi mưa bom bão đạn.

Đạo diễn Hải Ninh gặp diễn viên Lan Hương lần đầu tiên khi cô mới 3, 4 tuổi. Đến năm 1972, khi ông thực hiện bộ phim này, sau khi tìm nhiều người đóng nhân vật em bé Hà Nội không được, ông nhớ lại và tìm đến nhà Lan Hương, xin phép cho cô đi đóng phim. Khi đó Lan Hương mới 10 tuổi và đây cũng là vai diễn đầu tiên của cô. Cho đến giờ, khi đã gần 60 tuổi, NSND Lan Hương vẫn được khán giả yêu mến gọi tên “Em bé Hà Nội”.

“Em bé Hà Nội” còn được ghi nhận bởi hàng loạt giải thưởng cao quý như đoạt giải Bông sen vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần III năm 1975; giải đặc biệt của BGK LHP Quốc tế Moskva năm 1975; giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại LHPQT Syria cũng như hàng loạt giải thưởng cá nhân khác. Tiếng vang của bộ phium không chỉ là những giải thưởng danh giá, mà còn là thông điệp nhân văn của những con người yêu chuộng hòa bình gửi tới toàn nhân loại. Đối với người Hà Nội, có lẽ không ai còn xa lạ khi nhắc đến tên bộ phim này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Mạnh dạn lên tiếng với 'lạm thu'

GD&TĐ - Dù ngành Giáo dục và các địa phương có chỉ đạo về chống lạm thu nhưng hầu như năm học nào, vấn đề này cũng trở thành đề tài “nóng”.

Hệ thống cây xanh của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh được trồng từ nguồn kinh phí do một số phụ huynh ủng hộ. Ảnh: NTCC

'Kê toa' chống lạm thu đầu năm

GD&TĐ - Công khai các khoản thu theo thỏa thuận và bắt buộc là cách nhiều địa phương áp dụng để chống lạm thu trong các trường học.