Theo quyết định mới nhất của UBND TP Hà Nội, toàn bộ trẻ mầm non ở các quận/huyện/thị xã trên địa bàn Thủ đô sẽ được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 13/4. Sau gần 1 năm phải tạm dừng mở cửa để phòng tránh dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục mầm non đang tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập để sửa chữa, mua mới sẵn sàng đón trẻ trở lại trường.
Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Nguyễn Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (huyện Hoài Đức) nhấn mạnh, đơn vị này luôn quán triệt tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên về các chỉ đạo của cấp trên trong công tác phòng chống dịch khi mở cửa trở lại. Trong những ngày qua, kể cả ngày nghỉ lễ, nhà trường đã huy động giáo viên và một số phụ huynh tới để tiến hành lau dọn, vệ sinh lớp học cũng như các dụng cụ học tập của trẻ.
"Năm học này, toàn trường có 16 lớp với khoảng 500 học sinh. Thời gian vừa qua không được tới trường, các cô giáo vẫn thường xuyên xây dựng và gửi video hướng dẫn qua Zalo ở từng nhóm lớp tới phụ huynh để dạy trẻ tại nhà những kỹ năng cần thiết phù hợp với từng độ tuổi. Khi biết sắp được đi học lại, cả phụ huynh và trẻ đều vô cùng vui mừng. Bản thân giáo viên cũng mong ngóng điều này từ rất lâu, lớp học rồi đây sẽ lại vang lên tiếng cười nói bi bô của trẻ.
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc mở cửa trở lại, chúng tôi luôn được lãnh đạo Phòng GD&ĐT và chính quyền xã An Khánh quan tâm, chỉ đạo về khâu phòng chống dịch. Theo đó, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch và tiến hành tập huấn cho giáo viên các phương án đón trẻ cũng như xử lý tình huống liên quan đến dịch. Thời gian qua, nhà trường cũng chú trọng bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên để ngày càng đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục. Các cô cũng hưởng ứng rất nhiệt tình và tạo hiệu ứng tích cực nhằm đẩy mạnh phong trào dạy tốt học tốt trong trường dù học online hay trực tiếp" - cô Vân chia sẻ.
Vừa vui mừng nhưng cũng có đôi chút lo lắng, cô Nguyễn Thị Tuyết Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Thị (huyện Gia Lâm) cho hay, đơn vị này đang xây dựng các phương án đón học sinh theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT thành phố và chỉ đạo từ Phòng GD&ĐT huyện.
Theo cô Lan, nhà trường sẽ phải huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác đón trẻ vào mỗi sáng. Tận dụng các đồ dùng có sẵn để phân luồng học sinh từ cổng trường. Khi đó, mỗi lớp sẽ phải có một cô ở dưới sân và một cô ở trên lớp. Trẻ ở lớp nhà trẻ lần đầu đến trường thường sẽ hay quấy khóc nên khi chia nhân lực ra như vậy cũng sẽ gặp đôi chút khó khăn. Do đó, nhà trường sẽ phải linh hoạt để khắc phục bằng cách cô giáo các lớp cùng giúp nhau đón trẻ.
"Hiện có một số cô giáo đang nghỉ thai sản, một nhân viên y tế của trường phải kiêm thêm công việc văn phòng nên sẽ rất vất vả trong những ngày tới. Dự kiến trong tuần tới sẽ có hơn 400 trẻ đến lớp. Nếu muốn huy động thêm lực lượng ngoài nhà trường như phụ huynh, đoàn thanh niên để hỗ trợ đón trẻ cũng rất khó. Bởi theo quy định, chỉ những cán bộ, nhân viên trực thuộc trong trường mới được tham gia hoạt động đón trẻ để đảm bảo phòng chống dịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục tính toán để có phương án phù hợp" - cô Hiệu trưởng Tuyết Lan nhấn mạnh.
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí tại hướng dẫn liên ngành số 489 ngày 28/2 của Sở GD&ĐT và Sở Y tế, chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch diễn tập xử lý khi có tình huống F0. Tổ chức tổng vệ sinh môi trường, khử khẩn trước và sau buổi học. Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, cơ sở giáo dục chủ động xử lý theo hướng dẫn và báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương...