Trường mầm non Hà Nội: Mong gặp trẻ từng ngày

GD&TĐ - Gần một năm qua, trẻ chỉ được các cô giao bài hướng dẫn dưới dạng video gửi cho phụ huynh qua Zalo. Không được giao tiếp với bạn bè quá lâu cũng để lại những tác động xấu về mặt tâm lý.

Học sinh mầm non Hà Nội sẽ trở lại trường từ 13/4. Ảnh minh họa
Học sinh mầm non Hà Nội sẽ trở lại trường từ 13/4. Ảnh minh họa

Thế nên, quyết định cho trẻ mầm non trở lại trường của UBND TP Hà Nội đã mang đến những hiệu ứng tích cực. 

Sẵn sàng mở cửa đón trẻ

UBND TP Hà Nội vừa đồng ý đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho trẻ mầm non được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 13/4. Theo đó, UBND TP Hà Nội thống nhất về nguyên tắc theo đề xuất của Sở GD&ĐT với thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 13/4/2022. UBND TP Hà Nội cũng giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế thường xuyên cập nhật, quán triệt đầy đủ, kịp thời thông tin, quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế về việc triển khai các hoạt động giáo dục, đào tạo và bảo đảm an toàn công tác phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục để hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai tổ chức thực hiện.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, thời gian qua nhiều cơ sở giáo dục mầm non cả công lập và ngoài công lập vẫn tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng đón trẻ quay lại học trực tiếp khi có lệnh từ chính quyền thành phố.

Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) vẫn tiến hành các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cũng như sẵn sàng về cơ sở vật chất để đón trẻ trở lại. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu An cho hay: Mong trẻ được đến trường với cô và bạn bè càng sớm càng tốt. Trẻ ở nhà nhiều sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhút nhát, sợ đám đông, chậm phát triển ngôn ngữ, giao tiếp chậm.

Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Trần Thị Hoàng Lâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) - bày tỏ mong muốn các cấp lãnh đạo cần có thông báo sớm về thời gian để nhà trường và phụ huynh có thời gian chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về mặt tâm thế cho trẻ sẵn sàng đến trường.

Ngoài ra, cần có hướng dẫn cụ thể về việc xử trí khi có các trường hợp F0, F1 xảy ra trong trường/lớp phù hợp với tình hình dịch bệnh và thích ứng linh hoạt hiện nay. Cô Lâm cũng mong muốn lãnh đạo các cấp tiếp tục hỗ trợ kinh phí đảm bảo chi thường xuyên cho các đơn vị tự chủ chất lượng cao trong giai đoạn này do số lượng học sinh đi học còn hạn chế. Các bậc phụ huynh cần phối hợp tốt với nhà trường trong công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Tương tự, tại Trường Mầm non Yên Sở (huyện Hoài Đức), Ban giám hiệu nhà trường đã cho rà soát cơ sở vật chất như: Đồ chơi ngoài trời, trang thiết bị chăm sóc giáo dục trẻ, thiết bị vật tư cho công tác phòng chống dịch bệnh... để kịp thời sửa chữa, mua sắm bổ sung. Ngoài ra, nhà trường triển khai trang trí môi trường trong và ngoài lớp học tạo không khí vui tươi.

“Giáo viên đang tiến hành trang trí lại các phòng chức năng của trẻ để tạo không gian tươi mới. Trường sẽ đón khoảng 850 cháu đi học trở lại. Các cô rất háo hức để được nghe tiếng cười rộn rã của trẻ. Các em được đến trường sẽ giải tỏa được khó khăn của phụ huynh cũng như tâm lý bản thân. Chúng tôi mong có hướng dẫn cụ thể đối với cấp học mầm non trong việc đón trẻ trở lại học trực tiếp, đầu tư thêm các trang thiết bị phục vụ các hoạt động học tập của trẻ” – cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hà tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Hà – Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Sở, huyện Hoài Đức mong muốn cô trò sớm được đến trường.
Cô Nguyễn Thị Hà – Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Sở, huyện Hoài Đức mong muốn cô trò sớm được đến trường.

Những bài toán khó cần tìm lời giải

Trẻ mầm non sẽ trở lại trường vào tuần tới. Tuy nhiên cũng có không ít vấn đề mà các trường đang gặp phải và cần có lời giải sớm nhất. Cô Trương Thị Ngọc Bích – Hiệu trưởng Trường Mầm non 10-10 (quận Hoàng Mai) - cho biết: Nhà trường đã chủ động vệ sinh, trang trí lại lớp học, phòng chức năng; sửa chữa các thiết bị điện tử, đồ chơi ngoài trời cho trẻ cũng như rà soát về các trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch. Trường sẽ khảo sát phụ huynh học sinh xem tỷ lệ các trẻ đăng ký đi học trở lại như thế nào, ăn bán trú ra sao để bố trí nhân sự.

Tuy nhiên, khó khăn mà trường đang vướng hiện nay là thiếu nhân viên nuôi dưỡng. Trong hơn hai năm dịch Covid-19 hoành hành, nhiều nhân sự làm việc tại các công ty cung ứng suất ăn hay nhân viên nuôi dưỡng trong các nhà trường đã chuyển nghề để mưu sinh. Giờ đây, trường mầm non mở cửa thì việc kêu gọi đội ngũ này quay trở lại hoặc tuyển mới với mức thù lao xứng đáng là một vấn đề cần tính toán kỹ.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ các trường mầm non tư thục đang gặp phải muôn vàn khó khăn vì nghỉ dịch quá dài. Cô Lê Thanh Mai – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thánh Gióng (quận Long Biên) - tâm sự: Dù thành lập được trên 10 năm và chưa đến mức phải đóng cửa, nhưng cơ sở vất vả trăm bề để tìm phương án duy trì hoạt động. Với khoảng 150 trẻ và 30 giáo viên ở cả hai cơ sở, đến nay,  nhiều cô không còn đủ kiên nhẫn để theo nghề mà đi tìm công việc khác.

Cũng theo cô Lê Thanh Mai, thời gian qua, bằng nhiều nỗ lực và giải pháp, nhà trường vẫn giữ được đội ngũ nhân sự cốt cán. Với một số giáo viên đóng bảo hiểm xã hội, nhà trường cũng hướng dẫn các bước để được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 15 ngày 13/8/2021 của HĐND TP Hà Nội.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, một số trường mầm non tư thục phải dừng hoạt động do khó khăn về tài chính. Nhiều cô không thể bám trụ được với nghề mà chuyển sang làm những công việc phổ thông khác, mang lại thu nhập tức thời ngay trong thời điểm dịch. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần nơi học khi thành phố đã cho phép mở cửa trở lại. Với trẻ theo học tại trường tư đã giải thể, phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan để bố trí nơi học, đảm bảo quyền được đi học của trẻ.

Các em chỉ có thể phát triển bình thường cả thể chất lẫn tinh thần khi được giao tiếp và học tập trên lớp thay vì phải ở nhà. Hơn nữa, khi các em có được môi trường hoạt động để tự do vận động, giao lưu thì tâm lý cũng được giải tỏa rất nhiều. Việc cho trẻ ở nhà hay đi học thì nguy cơ nhiễm Covid-19 cũng không quá khác nhau. - TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ