Hà Nội: Gần 2.000 dịch vụ y tế tăng giá

GD&TĐ - Từ ngày 1/5, các cơ sở khám chữa bệnh công lập của Hà Nội bắt đầu áp dụng giá viện phí mới cho người bệnh không có thẻ BHYT. Cụ thể, 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường và 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng được điều chỉnh tăng.

Người dân có BHYT sẽ có nhiều quyền lợi khi KCB tại BV công lập
Người dân có BHYT sẽ có nhiều quyền lợi khi KCB tại BV công lập

Lo lắng vì giá viện phí tăng

Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn Hà Nội chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5. Vì vậy bắt đầu từ ngày này, các cơ sở khám chữa bệnh công lập của Hà Nội sẽ áp dụng giá viện phí mới cho người bệnh không có thẻ BHYT. Trong đó 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng được điều chỉnh tăng.

Khi áp giá viện phí mới, giá giường nằm điều trị tính theo ngày tại hồi sức tích cực của các bệnh viện hạng I như BV Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang tăng từ 632.000 đồng lên 678.000 đồng/ngày; giá giường mỗi ngày tại hồi sức cấp cứu từ 336.000 đồng lên 411.000 đồng/ngày. Các thủ tục khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa, khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) tăng từ 120.000 đồng lên 145.000 đồng...

Trao đổi với Báo GD&TĐ về những thay đổi tăng giá viện phí trong khám chữa bệnh (KCB), ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Trong lần tăng giá này, những người không tới KCB tại các cơ sở KCB công lập sẽ không bị ảnh hưởng. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chỉ tác động đến các đối tượng chưa tham gia BHYT (đối tượng này chiếm 13,3% dân số Hà Nội). Chúng tôi tăng viện phí nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến người thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã hội, người thuộc hộ cận nghèo, vì các đối tượng này đã được Nhà nước mua, hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT.

Tăng nhiều hơn giảm

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, tổng số danh mục dịch vụ tại Thông tư số 37/2018/TT-BYT là 1.953, so với Nghị quyết số 06/2017/NQ-HĐND có điều chỉnh tăng 1.865 danh mục, điều chỉnh giảm 54 danh mục, giữ nguyên giá 12 danh mục, đồng thời có bổ sung 22 danh mục như: Đo mật độ xương, nội soi dạ dày làm Clo test, kỹ thuật phối hợp thận nhân tạo và hấp phụ máu bằng quả hấp phụ máu, thay băng vết thương hoặc mổ chiều dài nhỏ hơn hoặc bằng 15cm, châm (kim ngắn), điện châm (kim ngắn), thay băng cắt lọc vết bỏng diện tích dưới 5% diện tích cơ thể....

“Giá dịch vụ quy định tại Thông tư số 37/2018/TT-BYT có loại tăng, có loại giảm so với giá quy định tại Nghị quyết số 06/2017/NQ-HĐND. Ví dụ, giá khám bệnh giảm bình quân 5,4%, giá ngày giường bệnh tăng bình quân 15%, cá biệt có một số dịch vụ kỹ thuật như nội soi tai - mũi - họng giảm 49% (từ 202.000 đồng/lần xuống còn 103.000 đồng/lần), điện tâm đồ giảm 30% (từ 45.900 đồng/lần xuống còn 32.000 đồng/lần)”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm.

Lý giải nguyên nhân tăng giá viện phí lần này lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết: Việc thay đổi này được xây dựng dựa trên Thông tư 37/2018 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 15/1/2019, quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Trong số gần 2.000 dịch vụ được điều chỉnh lần này là lấy căn cứ từ cơ sở tính giá điều chỉnh theo mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng tăng lên 1.390.000 đồng. Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 1807/SYT-KHTC ngày 25/4/2019 về việc thực hiện Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT để chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.