Hà Nội chủ động ứng phó với nguy cơ cháy nổ dịp Tết

GD&TĐ - Dịp Tết là thời điểm dễ xảy ra cháy nổ bởi nhu cầu sử dụng thiết bị điện, đốt vàng mã, tích trữ hàng hóa tăng cao…

Lực lượng tổ phòng cháy chữa cháy cơ sở phản ứng nhanh.
Lực lượng tổ phòng cháy chữa cháy cơ sở phản ứng nhanh.

Các khu trung tâm thương mại, làng nghề, di tích đình đền, chùa... hoạt động hết công suất cũng là lúc “bà hỏa” rình rập tấn công.

Lưu ý “ẩn họa” từ đốt vàng mã

Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là lễ hội có thời gian dài nhất cả nước. Để bảo đảm an toàn về công tác phòng chống cháy nổ, chập điện xảy ra tại lễ hội, nhất là nhà hàng, quán kinh doanh dịch vụ, ăn uống và bến xe, Công an huyện Mỹ Đức đã tổ chức tập huấn, ký cam kết đối với các cơ sở và các hộ kinh doanh trong khu vực lễ hội. Đồng thời, huyện Mỹ Đức đã thành lập Đội Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cơ sở ngay tại di tích.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, chiều 26/12, ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, trong năm đơn vị tham mưu UBND huyện, Công an TP Hà Nội thành lập và ra mắt Ban Chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH huyện Mỹ Đức nhằm phát huy thành tích không để xảy ra cháy nổ, nhất là mỗi dịp diễn ra khai mạc lễ hội chùa Hương vào đầu tháng 2 hàng năm.

“Ban đặc biệt lưu ý các hộ dân kinh doanh hoạt động ăn uống, nghỉ ngơi chuẩn bị thật tốt các điều kiện tại chỗ (lực lượng, phương tiện, chỉ huy, hậu cần) để kịp thời xử lý ngay các vụ cháy, nổ sự cố tai nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra. Đặc biệt, an toàn PCCC khi đốt vàng mã tại các điểm của khu di tích...”, ông Hiển nhấn mạnh.

Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn cũng cho biết, tại bến xe khách Hương Sơn, điểm trông giữ xe “Bến xe mô tô đường số 1”, chợ Hương Sơn, Chùa Thiên Trù, động Hương Tích, đơn vị Cáp treo Hương Sơn đều có cán bộ, chiến sĩ của PCCC ứng trực, hướng dẫn nhân dân sử dụng hiệu quả bình khí cháy nổ.

Thời gian tới, Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn tiếp tục tham mưu, giúp UBND huyện đề ra các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCC&CNCH. Đồng thời, hướng dẫn các hộ kinh doanh, nhân dân thực hiện tốt công tác phong trào toàn dân PCCC. Từ khi được mở cửa đón khách đến tham quan sau cao điểm Covid-19, tại khu di tích chưa xảy ra sự cố cháy, nổ nào.

Là địa bàn có nhiều khu tập thể, chung cư, trung tâm thương mại cũng như đình, đền, chùa với số lượng du khách đông vào dịp Tết, bà Lê Thị Khanh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, phòng phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra công tác PCCC phục vụ Tết Quý Mão 2023.

“Để chuẩn bị cho công tác phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và lễ hội đầu xuân, phòng đã chủ động tham mưu UBND quận và hướng dẫn UBND 14 phường, Ban Quản lý di tích các di tích đình, đền, chùa tổ chức công tác trang trí chuẩn bị phục vụ khách đến tham quan, tín ngưỡng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và phương án triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy...”, bà Lê Thị Khanh thông tin.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình cũng nhấn mạnh, đặc biệt chú trọng kiểm tra, hướng dẫn các di tích đình, đền, chùa và yêu cầu hộ kinh doanh khu vực đền, đình, chùa ký cam kết an toàn phòng cháy chữa cháy để phục vụ du khách đến tham quan, tín ngưỡng.

Công an kiểm tra phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh.

Công an kiểm tra phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh.

Ứng phó với nguy cơ cháy nổ

Dịp Tết và lễ hội đầu xuân, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) nhận định, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang mùa hanh khô, đây cũng là khoảng thời gian nhiều lễ hội cận kề... tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.

Để chủ động công tác phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ lớn và thiệt hại do cháy, nổ gây ra Công an TP Hà Nội khuyến cáo các cấp, ngành, đơn vị, cơ sở, cần tổ chức tốt hoạt động PCCC&CNCH tại chỗ.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức cũng như nội quy, quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh và khách hàng.

Bên cạnh đó, thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy nổ. Ngoài ra các đơn vị phải chuẩn bị phương án thoát nạn cho người và tài sản khi cháy xảy ra, tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại cơ sở và khu dân cư.

Đối với các hộ gia đình, Công an TP Hà Nội khuyến cáo cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ. Ngoài ra, mỗi hộ gia đình cần trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy… và biết cách sử dụng những phương tiện này.

Riêng với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, nơi thờ tự, Công an TP Hà Nội yêu cầu đơn vị phải ban hành nội quy về PCCC, dự phòng các điều kiện thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Đồng thời, chủ động kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện, phải bố trí khu vực riêng dùng để hóa vàng mã tại các vị trí an toàn, cách xa các vật dụng dễ cháy. Thường xuyên cắt cử người trông coi khi khách đến thắp nhang, đèn, để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn, hạn chế đến mức thấp nhất việc thắp hương thờ cúng và hóa vàng.

Khi cần thiết phải thắp hương thờ cúng để phục vụ cho việc hành lễ, cúng, tế phải có người trông coi, dụng cụ đỡ nhang, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ. Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, nơi thờ tự tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ thường trực trong thời điểm khách đến viếng, cúng và sau khi kết thúc công việc trong ngày.

Ngoài ra phải chủ động trang bị phương tiện chữa cháy, kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy hiện có để bảo đảm hoạt động tốt khi có cháy xảy ra. Đồng thời, tổ chức cho các tăng, ni, lực lượng bảo vệ tập luyện sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ và cách xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.

Trước đó, thực hiện kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH của Bộ Công an, đến ngày 12/12, Công an TP Hà Nội đã “cán đích” trước thời hạn 100% chỉ tiêu rà soát, kiểm tra theo yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.