Hà Nội “chạy đua” ngăn dịch tả lợn châu Phi

Trên địa bàn thành phố vừa xuất hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Phú Xuyên. Trong khi, một số ổ dịch phát hiện trước đó có nguy cơ tăng thêm

Hà Nội “chạy đua” ngăn dịch tả lợn châu Phi

Địa bàn xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi trong ngày hôm qua (22/3) là tại một hộ chăn nuôi ở xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên. Ông Nguyễn Hữu Chi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên cho biết, sau phát hiện lợn ốm, ngành thú y đã thực hiện xét nghiệm và kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Để bảo vệ đàn lợn gần 66.000 con, huyện Phú Xuyên đã triển khai các chốt chặn kiểm dịch kiểm soát chặt tại các đường ra vào xã Nam Phong, đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn huyện.

ha noi "chay dua" ngan dich ta lon chau phi hinh 1
Tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng về dịch tả lợn tránh ảnh hưởng đến người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Hữu Chi nói: “Hiện nay huyện đang chỉ đạo các xã phun thuốc trên toàn huyện. Tuyệt đối không cho vận chuyển lợn ra vào vùng dịch. Chúng tôi cũng tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch tả lợn châu phi bằng rất nhiều hình thức, nhất là qua Đài truyền thanh xa, huyện”.

Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 51 hộ chăn nuôi ở 21 xã phường, thuộc 8 quận, huyện, với số lợn phải tiêu hủy trên 1.200 con. Cùng với việc phát sinh ổ dịch mới tại huyện Phú Xuyên, tình hình dịch tả lợn châu Phi ở các địa bàn đã phát hiện trước đó cũng diễn biến phức tạp. Tại huyện Sóc Sơn, sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên (ngày 9/3) tại xã Xuân Thu, những ngày gần đây đã lây lan sang các xã Quang Tiến, Tiên Dược, Nam Sơn, Đông Xuân.

Trước diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố, Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa có yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch. Các ngành chuyên môn thực hiện tốt các giải pháp, giám sát chặt chẽ diễn biến bệnh dịch hằng ngày, kịp thời lấy mẫu kiểm tra chuyên môn, ứng phó ngay khi có lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh...; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống và tiêu hủy gia súc mắc bệnh...

Cùng với khoanh vùng, kiểm soát chặt tại các địa bàn đã xuất hiện ổ dịch, ngành chức năng Hà Nội cũng tăng cường việc khử trùng tiêu độc tại các xã, phường quận huyện chưa phát sinh. Cùng với đó là đẩy mạnh giám sát việc giết mổ, nhất là tại các cơ sở giết mổ tập trung như ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì (nơi trung bình mỗi ngày giết mổ khoảng 1.800 con lợn); kiểm tra chặt việc buôn bán tại các chợ trên địa bàn thành phố.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ Ban quản lý chợ Hôm - Đức Viên, quận Hai Bà Trưng cho biết:Ban quản lý chợ Hôm thì cũng tiến hành tuyên truyền cho những người bán hàng và những người dân đi chợ về các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Hàng ngày chúng tôi kiểm tra các hộ kinh doanh khi mang thịt vào chợ phải có đầy đủ giấy tờ, nguồn góc xuất xứ, có tem kiểm dịch mới được bày bán

Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số đàn lợn khoảng 2 triệu con, nếu để dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, đời sống người dân.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.