Hà Nội chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Nhiều chính sách thiết thực của Nhà nước đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất
Trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất

Đồng bào dân tộc vươn lên làm giàu

Hà Nội có khoảng 9 triệu người, trong đó người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố có khoảng 108 nghìn người, chiếm 1,3% dân số. Trong số đó, đồng bào DTTS của thành phố chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao cư trú tập trung theo cộng đồng tại 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ.

Thành phố Hà Nội xây dựng định hướng mục tiêu đến năm 2030, mức sống và thu nhập của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội. Đặc biệt là cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.

Để thực hiện được mục tiêu này, Hà Nội xác định đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đầu tư phát triển bền vững. Thời gian qua, với việc thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, nhiều chính sách thiết thực đối với khu vực này được triển khai, qua đó góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Cụ thể, thành phố đã dành hơn 2.000 tỷ đồng triển khai thực hiện 224 dự án thuộc các lĩnh vực: Y tế, thủy lợi, nước sạch, văn hóa, trường học, giao thông ở 14 xã có người dân tộc thiểu số sinh sống tập trung. Các chương trình, dự án, chính sách đã được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Tại huyện Thạch Thất, hiện có hơn 11.500 người dân tộc thiểu số sống tập trung tại ba xã Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung. Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, với nguồn lực đầu tư tập trung, từ các xã có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, đến nay ba xã đã có cơ sở hạ tầng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao.

Triển khai thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Hà Nội, các xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung đã triển khai 46 dự án với tổng mức đầu tư gần 407 tỷ đồng. Nguồn vốn này được tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhà văn hóa, trường học, cải tạo và xây mới công trình thủy lợi, chợ.

Riêng tại xã Yên Trung - xã dân tộc miền núi, nơi có tới 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống nhưng đến tháng 6/2022, thu nhập bình quân của Yên Trung đạt 62 triệu đồng/ người/ năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung khu vực nông thôn toàn thành phố (đến hết năm 2021 là 54 triệu đồng/người/năm).

Ông Kiều Bá Hòa, ở xã Yên Trung cho biết: Trước đây, vườn đồi của gia đình chỉ trồng keo hoặc sắn, nay đã chuyển 4ha sang trồng thanh long ruột đỏ rất thích hợp với vùng đất đồi, đá sỏi như Yên Trung. Doanh thu từ vườn thanh long của gia đình đạt hơn 700 triệu đồng/năm. Nhờ đời sống nâng cao, các con ông đều được học hành đầy đủ.

Tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất có hộ gia đình bà Bùi Thị Ngọc. Gia đình bà phát triển trang trại tổng hợp, nuôi lợn rừng, gà đồi, thả cá kết hợp trồng keo, các loại cây ăn quả như bưởi Diễn, đu đủ, rau xanh, mỗi năm có thu nhập trên 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 5 - 7 lao động thời vụ tại địa phương.

Trường Tiểu học Yên Trung, huyện Thạch Thất

Trường Tiểu học Yên Trung, huyện Thạch Thất

Dành nhiều nguồn lực cho giáo dục

Những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, trong đó có lĩnh vực giáo dục được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; trong đó có khoảng 560 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở vật chất giáo dục.

Để tiếp tục đầu tư phát triển GD&ĐT ở vùng đồng bào DTTS, UBND TP ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS của Thủ đô giai đoạn 2021-2030. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư theo kế hoạch là hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Tất Vinh- Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong gần hai năm qua, Hà Nội đã bố trí gần 1.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Trong đó, có đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở GD&ĐT, cũng như đầu tư trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi.

Với sự quan tâm, đầu tư của TP, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các nhà trường thuộc vùng đồng bào DTTS được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại, là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học. Hiện, tại các xã vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô đã có 32/60 trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.

Cùng với nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất giáo dục, TP luôn coi trọng việc đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đối với vùng đồng bào DTTS. Hằng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên công tác tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú và các trường vùng đồng bào DTTS.

Các chế độ, chính sách đối với học sinh DTTS, giáo viên và cán bộ quản lý công tác ở vùng dân tộc, miền núi được thực hiện đầy đủ. Học sinh con hộ nghèo được miễn học phí và được hưởng mức hỗ trợ 100.000 đồng/tháng; học sinh con hộ cận nghèo được hưởng mức hỗ trợ 50.000 đồng/tháng. Học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú được hỗ trợ 80% mức lương tối thiểu/tháng.

Ngoài ra, các em còn được cấp sách giáo khoa, văn phòng phẩm, dụng cụ học tập, cặp sách và các đồ dùng sinh hoạt đầy đủ theo quy định. Giáo viên trực tiếp giảng dạy được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% lương cơ bản, được hưởng 0,3 hệ số lương trách nhiệm. Giáo viên là người dân tộc thiểu số sau khi có bằng thạc sỹ được xếp lương cao hơn 1 bậc so với các đối tượng tương đương.

Với nỗ lực và quyết tâm cao của ngành GD&ĐT, của các thầy, cô giáo và các em học sinh, sinh viên nói chung, học sinh, sinh viên DTTS nói riêng, chất lượng dạy và học vùng DTTS của Thủ đô được duy trì ổn định và có nhiều chuyển biến tiến bộ trên các mặt, ở tất cả cấp học, các nhà trường và đạt được những kết quả đáng tự hào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ