'Hạ nhiệt' áp lực kỳ thi vào lớp 10

GD&TĐ - Năm đầu tiên đổi mới hình thức, nội dung thi vào lớp 10 THPT khiến nhà trường, thầy cô, đặc biệt học sinh lớp 9 và phụ huynh băn khoăn lo lắng.

Thầy trò Trường THCS Trần Phú, quận Kiến An trong giờ học.
Thầy trò Trường THCS Trần Phú, quận Kiến An trong giờ học.

Bên cạnh lên kế hoạch dạy học, ôn tập, các trường ở Hải Phòng còn phối hợp cùng phụ huynh để tư vấn, định hướng cho các em chọn trường phù hợp, đúng khả năng.

Mong chốt sớm phương án thi

Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học tới được tổ chức theo Chương trình GDPT mới. So với chương trình cũ, nhiều môn được dạy tích hợp như Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên (KHTN). Vì vậy, định hướng đề, nội dung và số lượng môn thi được nhiều phụ huynh, thí sinh quan tâm.

Bộ GD&ĐT đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, thay thế Thông tư số 11/2014. Trước điểm mới của kỳ thi, chị Đặng Thị Thùy Giang - phụ huynh tại quận Lê Chân bày tỏ, năm đầu tiên thi tuyển sinh lớp 10 theo chương trình mới, nhà trường và phụ huynh đều lo lắng.

Hình thức thi hoàn toàn mới, chỉ môn Ngữ văn là tự luận; các môn khác trắc nghiệm trong khi học sinh chưa làm quen nhiều với hình thức này. Hơn nữa, ngữ liệu môn Ngữ văn được lấy ngoài sách giáo khoa cũng là một thách thức với học sinh và định hướng ôn tập của thầy cô.

Chị Trần Minh Thư - phụ huynh huyện An Dương cho rằng, kỳ thi vào lớp 10 năm nào cũng áp lực, căng thẳng, đặc biệt năm nay thi theo chương trình mới. Phụ huynh mong thành phố sớm có quyết định số môn thi, nên chăng chỉ thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để học sinh không quá vất vả.

Nếu thi môn thứ 4 mà chọn liên môn KHTN có nghĩa học sinh phải học thêm 3 môn (Sinh học, Hóa học, Vật lý) thành 6 môn phải ôn thi; và sẽ ôn thi 5 môn nếu chọn liên môn Lịch sử - Địa lý. Thời gian ôn tập ngắn mà học tới 6 môn thi thì chất lượng không thể cao.

Em Đào Thị Khánh Ngân - lớp 9A7, Trường THCS Trương Công Định, quận Lê Chân trải lòng, đối mặt với kỳ thi vào lớp 10, chúng em không tránh khỏi áp lực. Mong rằng, năm đầu tuyển sinh theo chương trình mới sẽ có phương án thi “nhẹ nhàng”.

Phân tích từ thực tế giảng dạy tại trường, cô Nguyễn Thị Thúy Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú, quận Kiến An cho hay, hiện chưa có thông tin về số môn thi vào lớp 10 THPT; tuy nhiên để đạt mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh, nhà trường tổ chức dạy học “đúng, đủ, đều” các môn theo quy định.

Vào các buổi học thêm, thầy cô dành thời gian củng cố kiến thức các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cho học sinh qua các dạng bài tập ôn luyện. Đa số giáo viên mong thành phố “chốt” sớm các môn thi để thầy cô chủ động kế hoạch ôn tập.

hai-phong-ha-nhiet-ap-luc-ky-thi-vao-lop-10-3-7479.jpg
Ngoài giờ học, Trường THCS Nam Sơn, huyện An Dương tổ chức nhiều hoạt động bổ ích cho học sinh để giải tỏa áp lực.

Nhiều giải pháp “hạ nhiệt”

Chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp, Phòng GD&ĐT huyện An Dương đã chỉ đạo các trường tổ chức hội thảo chuyên đề môn lớp 9, thiết kế đề thi vào lớp 10 để giáo viên xác định được trọng tâm kiến thức, cách thức ra đề. Từ đó, thầy cô lựa chọn phương pháp giảng dạy và ôn tập phù hợp.

Cô Phạm Thị Thúy Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Nam Sơn, huyện An Dương chia sẻ, quá trình giảng dạy, nhà trường yêu cầu giáo viên bám sát mục tiêu Chương trình GDPT 2018, đảm bảo cho học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, chú ý rèn cho các em kỹ năng giải quyết và khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế một cách linh hoạt.

Phía nhà trường đã tăng cường hội thảo, đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá; xây dựng ma trận, ngân hàng đề thi. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức thi khảo sát để học sinh làm quen với hình thức thi mới, giảm áp lực tâm lý cho học sinh.

Theo cô Cao Hồng Chín - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền, quận Lê Chân, kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026, cả đề thi, cấu trúc có nhiều đổi mới. Vì vậy, cách dạy, cách học của thầy trò phải thay đổi. Đặc biệt, với môn Ngữ văn, học sinh cần có phương pháp, kỹ năng làm bài, không học tủ, học vẹt theo lối mòn.

Để không gây áp lực và giảm tải cho học sinh, Trường THCS Ngô Quyền yêu cầu giáo viên bám sát cấu trúc đề thi do sở ban hành, chủ động xây dựng ngân hàng đề thi, cho các em làm quen trong quá trình ôn luyện. Sau mỗi bài ôn luyện, thầy cô chỉ rõ những hạn chế về kỹ năng làm bài để các em rút kinh nghiệm; dạy học đến đâu, nắm chắc kiến thức đến đó.

Bên cạnh phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để sát sao việc học tập của học sinh, Trường THCS Ngô Quyền làm tốt công tác định hướng, phân luồng khách quan, phù hợp năng lực để các em không chịu áp lực trước sự kỳ vọng của cha mẹ.

Với vai trò chủ nhiệm, từ đầu năm học, cô Nguyễn Thị Yến - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Ngô Quyền đã truyền tải cho học sinh và phụ huynh hiểu về chương trình mới cũng như tinh thần, tính chất kỳ thi vào lớp 10 THPT (thống nhất cách viết trong bài).

Để giảm áp lực, cô chú ý phân luồng và tư vấn cho học sinh xác định được điểm rơi cho bản thân, luôn quan tâm động viên, thúc đẩy các em phấn đấu.

Cô Yến cũng quan tâm đến việc phân loại học sinh để giảng dạy, bồi dưỡng phù hợp với năng lực, giúp các em có hứng thú và tự tin. Đứng trước chương trình mới, đổi mới về kiểm tra, đánh giá, cô trang bị cho học sinh phương pháp học, làm bài, kỹ năng thực hiện các dạng bài tập. Cô Yến động viên học sinh nâng cao khả năng tự học, chiếm lĩnh tri thức, tương tác phản biện, linh hoạt ứng phó với mọi tình huống trong bài học, bài thi.

Cuối tháng 7, Sở GD&ĐT Hải Phòng có Quyết định số 1038 ban hành cấu trúc đề thi (kỳ thi vào lớp 10 THPT từ năm học 2025 - 2026) và Quyết định số 1039 ban hành hình thức thi, thời lượng, cấu trúc, giới hạn chương trình và đề minh họa chi tiết đối với từng môn thi. Theo đó, với kỳ thi đại trà sẽ có 3 môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4 (là 1 trong số các môn: KHTN, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quên rút chìa khóa xe (!?)

GD&TĐ - Công an quận Hoàn Kiếm tạm giữ 10 thanh thiếu niên, tất cả đều trú tại Hà Nội, để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông.

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.