Nhiều sai phạm trong mua sắm thiết bị, vật tư…chống dịch Covid-19
Thanh tra tỉnh Hà Giang vừa công bố kết luận thanh tra do ông Nguyễn Chí Cường (Chánh Thanh tra) ký về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng chống dịch Covid-19 và việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 của của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Trước đó, từ ngày 10/2 đến ngày 29/3, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại 6 đơn vị, gồm: Sở Y tế tỉnh Hà Giang; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang (CDC Hà Giang) và Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên; Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Yên Minh, Bắc Quang.
Kết luận thanh tra nêu rõ, về việc thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, kít, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19, trong 2 năm, các đơn vị được thanh tra đã thực hiện 87 gói thầu mua sắm (trong đó: mua thiết bị y tế 23 gói; mua vật tư y tế 36 gói; mua sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm 14 gói; mua kít xét nghiệm 14 gói; không thực hiện mua vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19) với tổng giá trị ký hợp đồng là gần 95 tỷ đồng.
Quá trình thanh tra tại các đơn vị, Thanh tra tỉnh Hà Giang phát hiện còn một số hạn chế, khuyết điểm. Theo đó, có 21 gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn chưa đúng với các quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, các gói thầu đã được UBND tỉnh, Sở Y tế phê duyệt
Có 2 gói thầu chào hàng cạnh tranh, thời gian thực hiện lựa chọn nhà thầu không phù hợp với kế hoạch đấu thầu được duyệt vì trong quá trình tổ chức đấu thầu không có nhà thầu tham dự nên phải hủy thầu. Sau khi hủy thầu, chủ đầu tư không trình, thẩm định, phê duyệt lại kế hoạch đấu thầu, không thẩm định lại giá…
Có 16 gói thầu thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu không đúng theo các mẫu quy định tại các Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Có 2 gói thầu nhà thầu không có giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất, nhà phân phối. 1 gói thầu hồ sơ dự thầu của đơn vị trúng thầu không đúng với kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt.
Cụ thể, tờ trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu, công văn đề nghị thẩm định giá khẩu trang 3M N95 - Singapore nhưng chứng thư thẩm định giá lại thẩm định giá của khẩu trang 3M-N95 của Hàn Quốc; hồ sơ dự thầu của đơn vị trúng thầu là khẩu trang 3M-N95 của Hàn Quốc12 .
Có 1 gói thầu thực hiện việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu chậm thời gian theo quy định. Có 1 gói thầu thực hiện chưa đúng quy trình chỉ định thầu rút gọn; hồ sơ kiểm nhập hàng hóa không thể hiện lô hàng hóa, hạn sử dụng; chưa thực hiện công khai kế hoạch…
“Quái chiêu” hợp thức hóa sai phạm của CDC Hà Giang
Về việc quản lý, sử dụng các trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm, trang thiết bị phòng chống dịch, qua kiểm tra tại các đơn vị được thanh tra phát hiện một số đơn vị vẫn còn tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tại Sở Y tế tỉnh Hà Giang chưa thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc sử dụng vật tư y tế tại các đơn vị được cấp phát.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Yên Minh có ứng trước của Công ty Việt Á tổng số 9.024 test LightPower IVASAR-CoV2 và 10.032 kít tách triết tự động iVAaRNA/RNA Extraction kít aM; TAN Bead Optipure Viral Auto Tube và hóa chất tách RNA thủ công iVAaRNA Extraction kít P, với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng nhưng đến thời điểm thanh tra đơn vị chưa thanh toán.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang có ứng 1.250 bộ kít test nhanh kháng nguyên SARS-CoV2 AgRapid Test15 của Công ty cổ phần Dược và Trang thiết bị y tế Bình Minh; Công ty TNHH Liên hợp Dược Hà Giang để phục vụ công tác xét nghiệm nhưng đến thời điểm thanh tra đơn vị chưa thanh toán.
Tại CDC Hà Giang đã ứng trước 41.142 test LightPower IVASAR-CoV2 và 36.696 kit tách chiết tay iVAaRNA của Công ty Việt Á và ứng 22.900 kít test nhanh Truelie Covid-19 Rapid Test của Công ty TNHH Liên hợp Dược Hà Giang để phục vụ công tác xét nghiệm, sau đó thực hiện đấu thầu để hoàn trả lại các đơn vị.
Qua kiểm tra, CDC Hà Giang có mở 2 sổ theo dõi nhập, xuất kho vật tư, hóa chất, sinh phẩm là chưa đúng quy định. Cụ thể, mở 1 sổ kho để theo dõi nhập xuất theo hợp đồng và hóa đơn mua hàng hóa (số liệu nhập, xuất kho theo hợp đồng và hóa đơn chỉ để hợp thức hóa số lượng vật tư, kit, test trên sổ sách kế toán); 1 sổ kho (sổ tạm nhập sinh phẩm) sổ này theo dõi tình hình nhập xuất số lượng sinh phẩm, vật tư ứng trước của các công ty, toàn bộ số lượng ứng trước kit, tets và vật tư trên sổ này không cập nhật, theo dõi trên hệ thống sổ sách kế toán.
Đến thời điểm thanh tra, CDC Hà Giang đã thanh toán được 13.115/41.142 test LightPower IVASAR-CoV2 và 11.112/36.696 kit tách chiết tay iVAaRNA cho Công ty Việt Á; thanh toán 22.900 kít test nhanh Truelie Covid19 Rapid Test cho Công ty TNHH Liên hợp Dược Hà Giang.
Số kit test còn ứng chưa thanh toán cho Công ty Việt Á là 28.027 test LightPower và 25.584 kit tách chiết tay iVAaRNAtest. Số kit, test còn tồn đến ngày 31/12/2021 chưa sử dụng là 2.924 test LightPower IVASAR-CoV2 và 993 kit tách chiết tay iVAaRNA.
Qua kiểm tra gói thầu mua sinh phẩm, vật tư tiêu hao xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV2, CDC Hà Giang đã ký hợp đồng mua bán với Công ty TNHH Liên hợp Dược Hà Giang mua 3.000 test LightPower IVASAR-CoV2, trị giá hơn 1,4 tỷ đồng và 3.000 test kit tách chiết tay iVAaRNA trị giá: 126 triệu đồng.
Nhưng thực tế qua kiểm tra trên sổ sách nhập kho, sử dụng tại khoa Dược, khoa Xét nghiệm toàn bộ số kít, test xét nghiệm phát hiện Covid, CDC Hà Giang chỉ nhập của Công ty Việt Á. Ngoài ra, đơn vị này không nhập của công ty nào khác. Như vậy số kít, test tại Hợp đồng số 2608.1/2021/COVID-HĐMB ngày 26/8/2021 không có hàng hóa nhập kho.
Tại buổi làm việc với Đoàn thanh tra ngày 14/3, ông Bùi Văn Tuyển (Phó Giám đốc Công ty TNHH Liên hợp Dược Hà Giang) khẳng định công ty đứng ra làm thủ tục dự thầu và ký kết hợp đồng cung ứng 3 mặt hàng với CDC Hà Giang.
Tuy nhiên, thực tế công ty chỉ cung cấp 1 mặt hàng là kít test nhanh Truelie Covid-19 Rapid Test, với số lượng 3.000 test, trị giá hơn 299 triệu đồng. Còn lại, 2 mặt hàng là test xét nghiệm phát hiện Covid19 LightPower IVASAR-CoV2 trị giá hơn 1,4 tỷ đồng và kit tách chiết tay iVAaRNA trị giá 126 triệu đồng do CDC Hà Giang tự mua và lấy hàng của Công ty Việt Á. Công ty TNHH Liên hợp Dược Hà Giang chỉ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán cho CDC Hà Giang.
Kết luận thanh tra chỉ rõ, qua kiểm tra tại CDC Hà Giang, không nhập kho số lượng 2 mặt hàng kit test nêu trên và cũng không có văn bản xác nhận của Công ty Việt Á đồng ý cho trừ số lượng kit test đã ứng trước của công ty.
Như vậy, việc CDC Hà Giang thỏa thuận với Công ty TNHH Liên hợp Dược để hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ thanh toán 2 mặt hàng kít test xét nghiệm Covid -19 với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng là trái quy định.
Theo kết luận thanh tra, qua kiểm tra, làm việc với CDC Hà Giang có nhận tiền và kit tách chiết tay của Công ty Việt Á. Cụ thể, Công ty Việt Á tặng 5.003 kit tách chiết tay, trị giá hơn 210 triệu đồng và CDC Hà Giang đã tiếp nhận, nhập kho và xuất sử dụng toàn bộ số kít trên phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
Qua làm việc, ông Nguyễn Trần Tuấn (giám đốc CDC Hà Giang); bà Phan Thị Nga (trưởng khoa xét nghiệm); bà Tô Minh Huệ (kế toán trưởng) thừa nhận có nhận tiền mặt của Công ty Việt Á với tổng số tiền 770 triệu đồng.
Hiện, toàn bộ số tiền trên Công an tỉnh Hà Giang đã thu giữ vào ngày 6/4. Theo kết luận thanh tra, việc các cá nhân nêu trên nhận tiền của Công ty Việt Á là trái quy định.
Lộ số tiền sai phạm tại CDC Hà Giang
Về việc thanh tra quản lý, sử dụng nguồn thu phí dịch vụ xét nghiệm Covid-19 (tại 4 đơn vị thực hiện dịch vụ), kết luận thanh tra nêu rõ tổng số tiền thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19 từ năm 2020 đến 31/12/2021 là gần 24 tỷ đồng. Tổng số kinh phí đã sử dụng gần 17 tỷ đồng và tổng kinh phí còn tồn là hơn 7 tỷ đồng
Theo kết luận thanh tra, qua kiểm tra các đơn vị thu giá dịch vụ xét nghiệm test nhanh kháng nguyên vi rút SASR-CoV-2 và giá xét nghiệm dịch vụ Real-time PCR chưa đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và Công văn số 2820/UBND-VHXH ngày 14/7/2021 của UBND tỉnh Hà Giang.
Tổng số tiền sai phạm được thanh tra tỉnh chỉ ra là gần 3 tỷ đồng. Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, sai phạm số tiền hơn 297 triệu đồng. Sai phạm này xuất phát từ việc sử dụng test nhanh từ nguồn hỗ trợ, viện trợ để thu phí dịch vụ (gần 49 triệu đồng); xét nghiệm dịch vụ Real-time PCR thực hiện mẫu gộp 5, gộp 3 nhưng tính tiền mẫu đơn (gần 200 triệu đồng); thực hiện thu phí xét nghiệm test nhanh cao hơn giá mua (gần 50 triệu đồng).
Tại CDC Hà Giang, sai phạm số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Nguyên nhân được chỉ ra là do thực hiện thu phí xét nghiệm test nhanh cao hơn giá mua (hơn 2,3 tỷ đồng); thu phí xét nghiệm dịch vụ Real-time PCR cao hơn giá quy định (hơn 95 triệu đồng).
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên sai phạm với số tiền hơn 164 triệu đồng do thực hiện thu phí xét nghiệm test nhanh đối với bệnh nhân nội trú không đúng quy định.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Quang sai phạm với số tiền là gần 107 triệu đồng. Sai phạm này do thực hiện thu phí xét nghiệm test nhanh cao hơn giá mua (hơn 101 triệu đồng); thu xét nghiệm vi rút SASR-CoV-2 bằng kỹ thuật Real time RT-PCR đối với bệnh nhân nội trú không đúng quy định (gần 6 triệu đồng).
Theo kết luận thanh tra, kiến nghị một số biện pháp xử lý, trong đó có việc thu hồi số tiền sai phạm hơn 4,5 tỷ đồng tại các đơn vị bị thanh tra. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang là hơn 297 triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên là hơn 164 triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Quang hơn 88 triệu đồng và CDC Hà Giang hơn 4 tỷ đồng.
Đối với khoản tiền 770 triệu đồng, do Công an tỉnh Hà Giang đang làm rõ nên Thanh tra tỉnh Hà Giang không đề cập đến.