“Hà bá” tiếp tục “ngoạm” Quốc lộ 91

“Hà bá” tiếp tục “ngoạm” Quốc lộ 91

Sau nhiều tháng tình hình sạt lở Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (An Giang) vẫn chưa được kiểm soát. Vào sáng 27/5 đoạn sạt lở tại địa điểm trên tiếp tục sạt lở nghiêm trọng.

Vụ sạt lở làm 1/3 mặt đường nhựa Quốc lộ 91 với chiều hơn 40m về phía hạ lưu bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, đe dọa đến 81 hộ dân, trong đó có 27 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Trước tình hình sạt lở kéo dài, ngày càng nghiêm trọng và chưa khắc khục được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký Quyết định ban bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú.

“Hà bá” tiếp tục “ngoạm” Quốc lộ 91 ảnh 1
Đoạn sạt lở ăn sâu vào QL91. Ảnh: P. Ánh.

Đoạn sạt lở này có tổng chiều dài 2.000m tính từ Trường Tiểu học A Bình Mỹ (điểm phụ) kéo dài về hạ nguồn đến điểm cuối tại Trường Tiểu học A Bình Mỹ (điểm chính) đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (An Giang).

Sạt lở Quốc lộ 91 tại khu vực này không phải mới xảy ra mà diễn tiến trong nhiều năm. Trước đó, vào cuối tháng 7/2019, Quốc lộ 91 xuất hiện vết nứt rộng từ 1 đến 2cm, với chiều dài khoảng 50m, lấn sâu vào gần 50% chiều rộng nền đường và đến rạng sáng 1/8/2019, toàn bộ khối nứt với chiều dài trên 85 m đã sạt lở xuống sông Hậu. Đến tháng 1/2020, tại đây lại hai lần xảy ra sạt lở đất với chiều dài hơn 15m…

Cơ quan chức năng tỉnh An Giang khắc phục bằng giải pháp thi công thả bao cát khắc phục khẩn cấp sạt lở nghiêm trọng Quốc lộ 91 nhưng tình trạng sạt lở còn xảy ra.

Nguyên nhân sạt lở bước đầu được cơ quan chức năng xác định là do chế độ dòng chảy thay đổi qua đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, mái sông thẳng đứng dẫn đến nền đất yếu và sạt lở.

“Hà bá” tiếp tục “ngoạm” Quốc lộ 91 ảnh 2
Tình hình sạt lở QL91 diễn biến phức tạp, nhất là mùa mưa lũ sắp tới. Ảnh: P. Ánh.

Nhận định tình hình sạt lở còn diễn biến phức tạp, Bộ GTVT và tỉnh An Giang đã đầu tư tuyến tránh qua đoạn sạt lở Quốc lộ 91. Tuyến tránh đưa vào sử dụng từ đầu tháng 10/2019, dài 5,1km, mặt đường rộng 12m.

Cơ quan chức năng tỉnh An Giang cảnh báo, do những ngày gần đây, tại An Giang liên tục xảy ra mưa to thúc đẩy nhanh thêm quá trình sạt lở. Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, địa phương tiến hành lấy ý kiến của người dân bị ảnh hưởng, trường hợp nào có đất thì hỗ trợ ngay tiền để người dân xây dựng. Người nào không có đất thì ưu tiên cho nhận nền ngay ở khu dân cư vượt lũ…

Theo thống kê của UBND tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch. Trong đó 1 điểm thuộc thị xã Tân Châu, 3 điểm ở huyện An Phú, 2 điểm ở huyện Chợ Mới, 5 điểm ở huyện Châu Phú, TP Long Xuyên có 1 điểm… với tổng chiều dài sạt lở 380m, ảnh hưởng đến 48 căn nhà của người dân sống trong khu vực, trong đó có 1 căn bị sụp xuống sông. Ước thiệt hại về đất khoảng 1,7 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...