Gương sáng liệt sĩ Truông Bồn

GD&TĐ - Tôi đã xem vở kịch hát 'Bình minh đỏ' thật chăm chú và vô cùng xúc động.

Vở kịch hát 'Bình minh đỏ' do Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An biểu diễn. Ảnh chụp từ NhanDantv
Vở kịch hát 'Bình minh đỏ' do Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An biểu diễn. Ảnh chụp từ NhanDantv

Sau này, đọc trực tiếp kịch bản, những cảm xúc trong tôi vẫn là niềm thương tiếc, cảm phục và tri ân. Những liệt sĩ Truông Bồn, tuy tuổi mới mười tám, đôi mươi nhưng đã sống kiên cường, hy sinh anh dũng, quả là gương sáng cho thế hệ sau học tập.

“Bình minh đỏ” mang đậm tính sử thi hào hùng, phản ánh hiện thực lịch sử dân tộc thời kháng chiến chống Mỹ. Những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh ngọt ngào, sâu lắng dễ đi vào lòng người của dải đất miền Trung đã được tác giả Nguyễn Sĩ Đại chọn làm chất liệu chính để kể câu chuyện lịch sử thiêng liêng, xúc động này.

Bối cảnh xảy ra trong vở kịch là những năm 1965 - 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Nội dung tập trung kể về Tiểu đội 2 (thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An).

Các anh, các chị thanh niên xung phong (TNXP) đang ở độ tuổi mười chín, đôi mươi nhận nhiệm vụ bảo vệ con đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng nối kết các tuyến đường từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Vở kịch hát gồm 2 hồi. Hồi 1 được mở ra bằng cảnh tại văn phòng Huyện đoàn Đô Lương, một số thanh niên đến khám sức khỏe tuyển TNXP. Cô gái tên Nguyễn Thị Văn 16 tuổi ba tháng, bị anh cán bộ từ chối. Văn đã dùng nhiều “chiến thuật”, với đủ lời lẽ để thuyết phục.

Cuối cùng cô chất vấn lại: “Đúng là em còn trẻ tuổi đời/ Nhưng đánh giặc có cần chi đợi tuổi?”. Anh cán bộ phải chịu thua đồng ý để cô trúng tuyển, yêu cầu Sáu viết thêm một đơn tình nguyện và cam kết ba khoan (khoan yêu, khoan cưới, khoan đẻ)...

Ngày 30/10/1968 - một ngày trước khi lệnh ngừng ném bom bắn phá toàn miền Bắc của Tổng thống Mỹ có hiệu lực - các anh chị Tiểu đội 2 có một buổi liên hoan thật vui.

Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Thỏa phổ biến: “Buổi sinh hoạt của đơn vị hôm nay là để chia tay các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương và các đồng chí có giấy gọi vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường lái xe, có đồng chí xuất ngũ”.

Ai cũng xúc động, những gương mặt bừng sáng. Sau ý kiến của thủ trưởng, Nguyễn Thị Văn tự hào nói về Lê Lợi thắng giặc Minh và đọc một số câu trong bài “Cáo bình Ngô”, được khen “O này thuộc lịch sử hầy”. Đinh Thị Vinh hát bài “Chỉ còn đêm nay” vô cùng xúc động:

“Chỉ còn đêm nay mai con về với mẹ

Chỉ còn đêm nay mai em đến giảng đường

Chỉ còn đêm nay mai về với người thương

Vui hạnh phúc sau ngàn ngày ra trận...”

Không ngờ bài hát dạt dào xúc cảm ấy lại khơi nguồn để Nguyễn Tâm Cớn bộc bạch nỗi lòng sâu kín qua những vần thơ gan ruột qua điệu dân ca Nghệ Tĩnh quen thuộc:

“Tôi lớn lên cũng ăn sắn ăn khoai

Nhà dột nát, ruộng đóng vào hợp tác

Mà lý lịch ghi “thành phần bóc lột”

Tôi ra đời mang một án chung thân...”

Vì thế, vừa hoàn thành nghĩa vụ thanh niên xung phong, anh lại viết đơn tình nguyện ở lại. Nhân vật anh Cớn, cô Văn, anh Hạp để lại nhiều cảm xúc và suy ngẫm với người xem.

Vở kịch hát 'Bình minh đỏ' làm sống dậy truyền thống yêu nước, tinh thần kiên cường, quả cảm của người chiến sĩ, liệt sĩ Truông Bồn. Những vần thơ lấp lánh vẻ đẹp của tấm lòng yêu quý, ngưỡng mộ và tri ân được các làn điệu dân ca xứ Nghệ chắp cánh đã để lại những ấn tượng khó quên…

Nhất là, thật xúc động khi xem cảnh “Buổi sáng cuối cùng”. Đoạn đối thoại giữa Nguyễn Thị Tâm với bạn cho khán giả thấy cuộc sống của các nữ TNXP thiếu thốn gian khổ nhưng vẫn đầy ắp tình yêu thương.

Các chị em nhường nhịn, chia sẻ cho nhau từng món đồ nhỏ nhưng thật cần thiết với các cô gái xa nhà. Đám đông các cô vẫn đùa vui: “Hẹn ngày chiến thắng, ta sẽ về trong một nhà”.

Lúc hơn 6 giờ sáng, có tiếng súng báo động, rồi báo động dây chuyền. “Cả Truông Bồn ngập trong đau thương, chết chóc. Bom vừa ngớt, khói bom chưa tan, một nữ TNXP hớt hải chạy ra.

Đó là Lê Thị Hường: - Có ai còn sống không? Có ai còn sống không? Trời ơi, sao mà im lặng thế này… Bỗng từ đất trồi lên hai người, đó là chị Thao, chị Minh. Đầu tóc, cả người lấm đầy bùn đất.

Ba người đi về ba phía, cùng kêu: “Có ai còn sống không? Đang ơi, Hiên ơi, Vinh ơi, Dung ơi”… Có ai còn số..ố..ng khô…ông?”. Tay hối hả như điên bới đất tìm kiếm, tìm được Thông, mọi người đặt cô lên nền đất... Lát sau, các thi thể của Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Đàm Thị Bốn, Nguyễn Thị Phúc được đưa ra xếp cạnh hai thi thể trước…”.

Sống, chiến đấu trong bom đạn hiểm nguy, vượt qua bao vất vả, thiếu thốn, ngày đêm bám trận địa san lấp, đắp đường, làm cọc tiêu sống đảm bảo đường thông suốt cho xe ta ra chiến trường.

Nhưng giờ đây các chị, các anh đã ngã vào đất mẹ. Tiểu đội thép Truông Bồn có 14 người, hy sinh 12 nữ, 1 nam; tất cả đều rất trẻ, trẻ nhất là o Hoài: 17 tuổi 3 tháng, 14 ngày.

Đại đa số những thanh niên ấy chưa một lần hẹn hò, chưa một lần biết hơi đàn ông. Đúng là các cô gái chàng trai “Đôi môi tươi đạn xé/ Chưa bao giờ được hôn”. Ngôn ngữ kịch khắc sâu điều đó qua những lời ca:

“Em 17 tuổi chị 20

Ước mơ khát vọng khép lại rồi”…

“Đâu chỉ có bình minh của trời và đất

Các chị các anh đã làm nên bình minh đỏ của riêng mình”.

Chi tiết đồng đội tìm được mảnh nón của chị Dung và cánh tay của chị Vũ Thị Hiên bị chặt đứt có buộc khăn mùi soa với giấy báo nhập học và ba cân tem gạo là điểm nhấn của vở kịch, cứa vào lòng người và mang những thông điệp sâu xa:

“Hai mươi tuổi em vẫn là con gái

Ngã vào lòng đất mẹ một trinh nguyên”

Còn đó hình ảnh linh hồn của những cô gái TNXP Nguyễn Thị Tâm, Phan Thị Dung, Đàm Thị Bốn từ tấm ảnh bước ra:

“Chúng tôi vẫn bên nhau trong lòng đất mẹ

Dẫu ngàn đời vẫn trẻ mộng thanh xuân"...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ