Bên những cành đào, cành mai bằng giấy màu, vải lụa và san hô, ốc biển do các chiến sĩ khéo léo tạo hình và nước chè, cà phê, mứt Tết, bánh kẹo từ đất liền gửi ra, râm ran những câu chuyện thắm đượm tình quân dân, có cả chuyện về việc học hành của những đứa trẻ đang học lớp mầm non, tiểu học trên đảo.
Giáo viên đón Tết trên huyện đảo Trường Sa
Trong những ngày xuân, câu chuyện về cái Tết trên đảo của các thầy giáo Đồng Minh Hiệp – Giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa trên đảo Trường Sa Lớn và thầy Lê Anh Đức – Giáo viên Trường Tiểu học xã Sinh Tồn, cụm đảo Sinh Tồn gọi về làm ấm lòng những người thân trên đất liền.
Các thầy cho biết trong những ngày Tết này cũng nhận được nhiều lời chúc mừng thăm hỏi động viên từ gia đình, người thân, bạn bè đồng nghiệp và cả lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa...
Cuộc gọi thoại xen lẫn tiếng rì rào của sóng và gió biển, có cả tiếng trẻ í ới gọi các thầy. Thầy Hiệp và thầy Đức được phân công cùng một đợt công tác giảng dạy tại các trường học của huyện đảo Trường Sa năm 2013. Đến nay đã qua hai cái Tết trên đảo.
Thầy Hiệp chia sẻ: “Tết đầu tiên do chưa quen nên khá buồn do nhớ nhà, nhớ anh em, bạn bè trong đất liền. Nhưng ơ riết rồi quen dần với cái Tết trên đảo với các chiến sĩ và người dân.
Tết đến, nhiều hoạt động ở đây được các chiến sĩ tổ chức vui xuân như kéo co, điền kinh, bóng đá, bắt heo với không khí vui tươi và náo nhiệt”.
Khí hậu trên các đảo khắc nghiệt lắm, không trồng được hoa đào của bà con miền Bắc hay mai vàng của miền Nam, do vậy vào những lúc có thời gian rảnh rỗi, các chiến sĩ đã chuẩn bị hoa đào đón Tết bằng những cành đào, cành mai được cắt tỉa khéo léo, lá làm từ giấy màu, vải lụa, cành bằng san hô, hoa từ ốc, sò biển.
Tình quân dân trên đảo thường ngày đã keo sơn gắn bó, Tết đến tình cảm ấy lại càng thêm thắm nồng. Các đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ đi chúc Tết các hộ dân, các hộ giáo viên trên đảo, các gia đình cũng đến chúc Tết đơn vị và các chiến sĩ.
Phụ huynh học sinh đến chúc Tết các thầy giáo trong căn phòng được bài trí giản dị với mứt kẹo, cà phê từ đất liền gửi ra. Giữa tiếng sóng vỗ ì ầm vọng về, những câu chuyện như chưa bao giờ cũ của thầy giáo và cha mẹ các em xung quanh việc học hành của lũ trẻ bây giờ và khi lớn lên.
Dốc tâm huyết để dạy dỗ học sinh trên đảo
Thầy Lê Anh Đức vốn là người ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) chia sẻ: Tuy ở ngoài đảo nhưng điều kiện sinh hoạt khá đảm bảo, chế độ chính sách được thanh toán rất đầy đủ, kịp thời nên anh em giáo viên rất yên tâm công tác, gắn bó với trường lớp. Trên đảo Sinh Tồn, thầy Đức dạy lớp ghép các độ tuổi tiểu học.
“Tuy còn nhiều điều kiện khó khăn thiếu thốn so với đất liền nhưng tinh thần học tập của học sinh rất cao. Các học sinh rất hòa đồng, gắn bó thương yêu lẫn nhau; Các em rất ngoan, thông minh và ham học vì thế dù khó khăn, thiếu thốn đến đâu anh em giáo viên ở đảo cũng động viên nhau, dốc hết tâm huyết để dạy dỗ các em trở thành con ngoan, trò giỏi” - Thầy chia sẻ.
Theo thầy Hiệp, từ năm học 2013 – 2014 từ lớp 2 tiểu học, các học sinh huyện đảo Trường Sa được học theo Mô hình Trường học mới (VNEN), tuy chưa áp dụng toàn phần nhưng các lớp học ở đây áp dụng hình thức tổ chức dạy học của mô hình trong đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức lớp học tập theo nhóm lớp.
Hiện thầy Hiệp phụ trách lớp ghép các độ tuổi lớp mẫu giáo, lớp 1 và lớp 2. Trong lớp, cùng một buổi giáo viên quản lý học sinh bằng các phần việc phân bố theo thời gian học; Như trong khi lớp 1 học Tiếng Việt, các học sinh lớp 2 tự tìm hiểu bài học; Các môn khác như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục được thầy Hiệp kiêm nhiệm, hướng dẫn các em nhận biết những kỹ năng cơ bản và tổ chức các hoạt động giáo dục giản đơn của môn học. Trước khi được cử ra đảo công tác, thầy Hiệp cùng các giáo viên khác được các chuyên viên của Sở hướng dẫn, tập huấn chuyên môn về kỹ năng giảng dạy, khả năng làm việc độc lập trên đảo.
Ba năm kể từ khi ra đảo, hàng năm thầy Hiệp và các giáo viên trên đảo khác đều có về đất liền trong đợt tập huấn, bồi dưỡng do Sở tổ chức. Những công việc khác trao đổi qua điện thoại với các cấp quản lý giáo dục và đồng nghiệp ở các điểm trường khác ở đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây.
Mỗi năm một lần về tập huấn nên ai cũng mong đến đợt tập huấn để được gặp nhau, tranh thủ thời gian về thăm nhà. Trong mỗi đợt như thế, Sở GD&ĐT lắng nghe đại diện các trường học trên các đảo báo cáo tình hình học tập, những việc làm được và chưa làm được và nghe phương hướng kế hoạch cho năm học tiếp theo, giải pháp khắc phục khó khăn, tồn tại để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học tại trường học trên từng đảo…
Kết thúc cuộc nói chuyện, thầy Hiệp không quên nhắn nhủ, các anh chị yên tâm là điều kiện sinh hoạt của chúng em trên đảo khá tốt. Các giáo viên được phân phòng ở riêng. Điều kiện sinh hoạt cũng được đảm bảo.
Thực phẩm hàng ngày được đảm bảo bằng đồ hộp, khi có tàu ra đảo đời sống được cải thiện bằng các thực phẩm tiếp tế; Còn những ngày trời yên biển lặng, ngư dân bám biển ra khơi đánh bắt được hải sản đem vào đảo để đổi lấy các nhu yếu phẩm, những khi đó anh em rất vui và thấy tình quân, dân đoàn kết thắm thiết hơn.n
Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa - cho biết: Các chế độ chính sách của giáo viên trên đảo được tỉnh Khánh Hòa chi trả kịp thời. Gồm: Lương và các loại phụ cấp, phụ cấp đứng lớp, phụ cấp lớp ghép; tiền nhu yếu phẩm, tiền ăn, tiền Tết và các loại bảo hiểm.