GS.TS Nguyễn Toàn Thắng: "Học với tất cả tinh thần trách nhiệm"

GS.TS Nguyễn Toàn Thắng: "Học với tất cả tinh thần trách nhiệm"

(GD&TĐ) - GS.TS Nguyễn Toàn Thắng (Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) đã bày tỏ sự trân trọng công ơn bố mẹ, anh chị, thầy cô của ông, những người đã có ý thức trong việc rèn luyện nhân cách cho thế hệ trẻ, để rồi có được cả một thế hệ biết sống trách nhiệm với bản thân và xã hội.

 Dường như thế hệ ông khi còn đi học có một mẫu số chung là không chỉ chăm học, mà còn chăm làm - làm việc nhà và làm cả những việc nhỏ ý nghĩa thực tế cho cộng đồng...?

- Đúng là như vậy. Thí dụ, hồi ấy chúng tôi sáng đi học, chiều đi chăn trâu của hợp tác xã và cũng được cộng công điểm như một người lao động bình thường. Học sinh nào cũng tranh thủ lúc chăn trâu thì đọc sách, học bài... Ngoài giờ học, không chỉ tham gia lao động, sản xuất nông nghiệp, ở gia đình, các học sinh đều giúp đỡ bố mẹ trồng trọt, chăn nuôi và làm các việc nhà tuỳ theo khả năng của lứa tuổi. Những đứa trẻ học ở trường làng như chúng tôi không ngại vất vả, không ngại khổ.

Những người thầy ngày trước cũng rất  nhiệt tình với học trò mà không chờ được “đáp lại”, phải không thưa ông?

GS.TS Nguyễn Toàn Thắng (Ảnh: Bắc Sơn)
GS.TS Nguyễn Toàn Thắng (Ảnh: Bắc Sơn)

- Các thầy luôn hết lòng vì học sinh. Dù điều kiện kinh tế thời đó rất khó khăn, điều kiện dạy và học đều thiếu thốn. Tôi nhớ hồi đấy đi thi học sinh giỏi tỉnh Hà Bắc, các thầy phải đèo học sinh bằng xe đạp từ Từ Sơn lên Bắc Ninh. Tôi đi thi học sinh giỏi cả Văn và Toán, nên không thể quên hình ảnh những người thầy gò lưng đèo trò đi thi bằng xe đạp. Những người thầy nhiệt tình và quan tâm đến học sinh, đã góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của thế hệ chúng tôi.

Đội viên, đoàn viên thế hệ ông năng nổ với hoạt động phong trào. Có phong trào gì ngày ấy “ngấm” trong ông đến tận hôm nay?

- Cách đây 50 năm (năm 1963), hồi tôi học cấp II, tôi là Liên đội phó trong trường. Lúc bấy giờ, trường tôi có thầy giáo Nguyễn Đức Thìn là Bí thư Chi đoàn, Tổng Phụ trách Đội Trường cấp II Tam Sơn (Từ Sơn, tỉnh Hà Bắc, nay là tỉnh Bắc Ninh). Thầy Thìn đã có sáng kiến phát động phong trào "Thiếu niên Tam Sơn làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy”. Nhanh chóng sau đó, phong trào “Nghìn việc tốt” đã lan rộng khắp tỉnh Hà Bắc, rồi trở thành hoạt động thi đua của thiếu nhi cả nước theo phương thức tự nguyện, tự giác của đội, thực hiện mục tiêu giáo dục.

Phong trào đó là như thế này: Giữ gìn sách vở sạch đẹp, tăng cường giơ tay phát biểu trên lớp, vệ sinh lớp sạch sẽ; ở nhà đi chăn trâu thì phải cố gắng giữ vệ sinh trâu, chăm sóc trâu chu đáo, mùa hè thi đánh ruồi diệt muỗi, giúp đỡ người già; thứ 7 hàng tuần cùng tham gia vệ sinh thôn xóm... Nghĩa là tất cả những việc nhỏ nhất mà học sinh có thể làm, có thể tham gia. Nhưng với mỗi học sinh, làm việc tốt dù nhỏ cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn, không phải là vì những công việc cụ thể (mà có lẽ với thiếu niên bây giờ rất xa lạ), mà nó quan trọng ở chỗ làm việc tốt tức là làm những việc thiện. Điều đó, thế hệ chúng tôi không được dạy qua sách vở, mà tự thu nhận được qua những việc làm nhỏ của mình, của bạn mình. Nhỏ nhặt vậy thôi, nhưng là những điều thế hệ chúng tôi mang theo suốt đời.

GS.TS Nguyễn Toàn Thắng: "Học với tất cả tinh thần trách nhiệm" ảnh 2
Học sinh thời chiến (ảnh tư liệu)

Thế hệ ông nhiều người học giỏi, thành đạt, không phải vì đi học thêm nhiều, càng không phải vì có điều kiện học tập tốt. Vậy điều gì khiến những học trò thế hệ ông chuyên cần  học tập với một tinh thần đầy trách nhiệm?

- Thế hệ chúng tôi đi học trong thời gian đất nước có chiến tranh. Vấn đề định hướng về nghề nghiệp rất hạn chế. Thông tin không có. Ý thức học tập rất đơn giản. Đầu tiên là học với tất cả tinh thần trách nhiệm. Đã đi học thì cố gắng học thật tốt.

Bây giờ tôi nói thật, tôi là giáo sư, tiến sĩ về Vật lý, nhưng khi tôi đi học phổ thông thì đối với tôi Vật lý cũng như Toán như Sinh học vậy thôi. Nếu mà tôi nói là tôi yêu Vật lý, tôi say mê Vật lý ngay từ hồi bé ấy là tôi nói dối. Đơn giản là như vậy. Đã đi học thì cố gắng học tốt các môn. Sau này khi được Đảng và Nhà nước cử đi sang Liên Xô học (vào năm 1968), thì lúc bấy giờ nghề nghiệp cũng không phải do chúng tôi chọn mà là do phân công. Ở nước ngoài chúng tôi học cũng với tất cả tinh thần trách nhiệm là mình đã đi học thì phải hoàn thành tốt việc học, học cho tốt. Vì trong thời gian chúng tôi được ra nước ngoài học với điều kiện tốt hơn trong nước rất nhiều, thì cũng là thời gian nhiều bạn của tôi đang ở mặt trận, các bạn ấy cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ.

Đó là kỷ niệm đẹp về một thời sống có trách nhiệm với đất nước. Học hành cũng phải có trách nhiệm với đất nước, chứ không chỉ sống và học tập cho bản thân mình.

Nếu nói với học sinh hôm nay về trách nhiệm và ý thức khi ngồi trên ghế nhà trường, ông có thể nói gì?

"Với tuổi trẻ ngày nay, chúng ta phải nhìn ở cả hai khía cạnh. Tôi không chỉ nhìn sinh hoạt, học tập của học sinh hiện nay để đánh giá có cái gì nghiêm trọng, bởi vì trẻ con bao giờ cũng thích những cái mới lạ, hấp dẫn. Chính người lớn phải tự biết chống bệnh hình thức, bệnh thành tích, tạo môi trường trong sạch cho những đứa trẻ học tập và phát triển đúng hướng, theo tôi cho đó mới là cái gốc của vấn đề".

- Nếu theo kinh nghiệm học tập, rèn luyện để thành người có ích của thế hệ chúng tôi, thì trước hết mỗi học sinh phải phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng để trở thành một người sống có trách nhiệm, có nhân cách, sống lương thiện. Tôi nghĩ rằng quan trọng số 1 thời đại nào cũng là phải sống, học tập có trách nhiệm với bản thân và đất nước. Nếu mỗi học sinh nhận thấy phải sống có trách nhiệm với bản thân và đất nước thì sẽ học tập tốt và làm tốt mọi công việc, như vậy thì mới có hy vọng đất nước ta vững mạnh, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu được.

Còn với những bậc phụ huynh,  vẫn như bao thế hệ luôn lo lắng cho sự học của con, em mình?

- Tôi phải kính cẩn cảm ơn các thế hệ bố mẹ, anh chị, thầy cô của chúng tôi ngày ấy. Bởi vì chính những người lớn có ý thức rèn luyện nhân cách cho thế hệ trẻ. Chính thế hệ thầy cô và các bậc phụ huynh thời chúng tôi đi học đã tạo môi trường lành mạnh, môi trường tự rèn luyện, phấn đấu cho mỗi học sinh được sống, học tập và trưởng thành có lý tưởng.

Cảm ơn giáo sư!

"Điều cần suy nghĩ nhất của giáo dục hiện nay, đó là người lớn và môi trường giáo dục, chứ vấn đề không phải xuất phát từ các em học sinh".

Bắc Sơn (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.