Trong khi đó, phòng chống dịch COVID-19 đã và đang "lơ đãng" đối tượng là nhân viên cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn MEDLATEC đã có những chia sẻ với Lao Động về câu chuyện này.
Đồng nhất nhân viên dịch vụ với nhân viên y tế là không thể được
- PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai hiện nay?
- GS Nguyễn Anh Trí: Ngay tại Bệnh viện Bạch Mai, đội ngũ cán bộ nhân viên y tế đang gặp phải áp lực lớn khi phải cách ly, xét nghiệm, quản lý như những nguồn lây nhiễm bệnh. Nhưng qua kiểm tra xét nghiệm lần thứ nhất cho thấy đến ngày 31.3, chưa ghi nhận thêm cán bộ y tế nào nhiễm bệnh. Số mẫu xét nghiệm dương tính phần lớn nằm ở nhân viên công ty Trường Sinh và một số người nhà bệnh nhân.
Vậy là phải nhìn nhận đối tượng này đã trở thành nguồn lây. Đặc biệt tôi nhấn mạnh đến nhân viên của công ty Trường Sinh- đơn vị cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai, lại dương tính nhiều nhất. Qua tìm hiểu, công ty này làm rất nhiều dịch vụ khác nhau, và cung cấp cho các cơ sở y tế khác...
Từ những thông tin này, tôi đề nghị dư luận, các nhà chức trách cần phải nói lại cho đúng rằng ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng nguồn lây chủ yếu là công ty Trường Sinh. Việc đính chính này bắt buộc phải làm, không phải để hơn thua, hay chỉ cho chính xác về ngôn từ, vì có ý nghĩa lớn.
Đó là giải tỏa ngay tâm lý cho đội ngũ cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai- một đội rất tinh nhuệ, hùng hậu, mạnh mẽ và rất giỏi, rất cần thiết trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là khám chữa bệnh cho những trường hợp khó, nặng. Không ai có thể thay thế được họ.
Phải tập trung cao độ, bằng mọi biện pháp nhằm ngăn chặn ổ dịch từ công ty Trường Sinh, không chỉ ở Bạch Mai mà ngay tại “đại bản doanh” của họ.
- Qua việc này, các cơ sở y tế cần rút ra bài học gì?
- Phải "báo động đỏ" cho các cơ sở y tế trên cả nước. Bất cứ cơ sở y tế nào cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19 giống như ở Bạch Mai.
Các bệnh viện hiện nay, thường kí kết với các công ty làm dịch vụ hậu cần, không về chuyên môn như bảo vệ, dịch vụ vệ sinh, cung cấp cơm ăn, nước uống, thậm chí là nhà thuốc... Việc này càng ngày càng phổ biến tại các hệ thống bệnh viện trong cả nước.
Nhưng có một điều mà lâu nay, hay ngay trong vụ dịch này, chúng ta quên mất đối tượng này, chúng ta vô tình đồng nhất họ là “nhân viên y tế”. Câu chuyện này trở thành nghiêm trọng.
- Ông có thể phân tích kỹ hơn?
- Cán bộ y tế của chúng tôi, khi có lệnh phòng chống dịch là chúng tôi sẽ làm được, làm đúng ngay vì chúng tôi có chuyên môn. Ngay trong việc bảo hộ, rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang... như thế nào cho đúng.
Nhưng những người làm dịch vụ như vậy họ không được đào tạo về việc này. Khi có dịch bệnh, cán bộ nhân viên y tế và người bệnh là đối tượng đáng chú ý nhất, nhưng lại ít chú ý đến đối tượng nhân viên dịch vụ. Đây là một bài học rất lớn.
Câu chuyện xảy ra ở Bạch Mai là một sự việc “không ngờ”, do bệnh viện đã phần nào lơ đãng đối tượng này. Vì vậy, ổ dịch đã xảy ra tại khâu yếu nhất trong công tác phòng chống dịch của bệnh viện. Bệnh viện đã thiếu phòng bị, thiếu dự phòng ở những đối tượng này.
Tôi cho rằng không chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai mà nhiều cơ sở y tế khác cũng đang lãng quên chuyện này. Chúng ta đã phải chịu hậu quả là dịch đã bùng lên từ đây.
Đề nghị các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh hết sức lưu ý đến đối tượng là nhân viên cung cấp dịch vụ trong vấn đề phòng chống dịch.
Không nên cách ly cán bộ y tế một cách cứng nhắc
- Theo ông, lúc này cần phải xử lý vấn đề ở Bạch Mai thế nào?
- Tôi cho rằng phải nhận định lại về đối tượng lây nhiễm, đa số nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai đã có kết quả kiểm tra âm tính, như vậy phải xem lại việc cách ly.
Với tư cách là một người làm chuyên môn, tôi đề nghị phải xem lại đối tượng cách ly. Cán bộ y tế là những người tiếp xúc với bệnh nhân, với người mang virus, nhưng họ tiếp xúc chủ động, có bảo hộ, có phòng ngừa theo đúng chuyên môn.
Bác sĩ đến khám bệnh nhân có phòng bị, thì không giống như đối tượng nghi nhiễm vì tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân. Đừng coi y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai là đối tượng phải cách ly, hãy giải tỏa ngay để họ được làm việc.
- Ông nghĩ sao nếu cách ly cán bộ y tế cũng là quyết liệt phòng chống dịch?
- Chúng ta phải quyết liệt phòng chống dịch, nhưng phải làm đúng về mặt khoa học, cách ly đúng đối tượng. Sở dĩ tôi nói như vậy, vì rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nặng đang chờ bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cứu chữa. Nếu cứ cách ly một cách cứng nhắc, sai về mặt khoa học thì một lực lượng lao động rất lớn lại bị cách ly vô lý. Đừng để cho các y bác sĩ suy sụp tinh thần, bệnh nhân sẽ phải chịu thiệt.
Tôi biết tin Giáo sư Ngô Quý Châu- Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai đi họp mà cũng bị "làm khó" thì đúng là quá cứng nhắc. Chúng ta phải xem xét lại vấn đề cách ly cán bộ nhân viên y tế ở Bạch Mai để làm giảm sự kỳ thị đầy sai lầm của mọi người đối với họ. Cần phải đưa hoạt động khám chữa bệnh ở đây trở lại bình thường.
Tôi hết sức chia sẻ, rất đau đớn khi các đồng nghiệp của tôi bị coi là đối tượng lây nhiễm, truyền bệnh. Tôi mong muốn và chúc cho tập thể cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai sẽ quyết tâm chiến thắng dịch bệnh COVID-19.
- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!