GS.Nguyễn Đình Tứ: Nhân cách lớn của trí thức yêu nước

GS.Nguyễn Đình Tứ: Nhân cách lớn của trí thức yêu nước

(GD&TĐ)-Chiều nay (1/10), Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm ngày sinh của cố GS.Nguyễn Đình Tứ - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GD&ĐT)... Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lẵng hoa nhân sự kiện này.

Đồng chí Đinh Thế Huynh trao tặng ảnh cho gia đình GS.Nguyễn Đình Tứ
Đồng chí Đinh Thế Huynh trao tặng ảnh cho gia đình GS.Nguyễn Thu Nhạn - phu nhân cố GS.Nguyễn Đình Tứ. Ảnh: gdtd.vn

Đến dự buổi lễ có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng các đại biểu nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh; các lão thành cách mạng và GS.Nguyễn Thu Nhạn – phu nhân GS.Nguyễn Đình Tứ cùng các thành viên trong gia đình...

GS.Nguyễn Đình Tứ sinh ngày 1/10/1932, trong một gia đình nhà giáo giàu truyền thống hiếu học, yêu nước tại làng Nguyên Xá, xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ nhỏ, GS.Nguyễn Đình Tứ đã bộc lộ tư chất thông minh, cốt cách đặc biệt: Học giỏi, học vượt cấp, học vượt thời gian với một sự say mê tìm tòi, khám phá cao độ. Từ khi vào học ở trường làng, ở huyện, ở tỉnh cho đến khi học ở nước ngoài, ông luôn luôn đứng vị trí đầu bảng. Ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 17 tuổi, khi còn là học sinh phổ thông. Được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng, GS. Nguyễn Đình Tứ đã từng bước trưởng thành và trở thành người cộng sản trung kiên, một nhà khoa học đầu ngành Vật lý hạt nhân, một nhà lãnh đạo uy tín của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: gdtd.vn
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: gdtd.vn

Trong diễn văn khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã khẳng định: Dù ở cương vị nào – Trưởng đoàn cán bộ khoa học Việt Nam công tác tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đúpna (Liên Xô cũ); Phó Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội; Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử quốc gia; Ủy viên Hội đồng Nhà nước; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật của Quốc hội; Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VII; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, GS.Nguyễn Đình Tứ luôn thể hiện rõ một nhân cách lớn của trí thức yêu nước, một nhà giáo mẫu mực, một nhà lãnh đạo tài ba với tinh thần tiền phong, gương mẫu, giản dị, luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ông là một trong những người đề xuất chủ trương “Công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa” trong thời kỳ phát triển mới của đất nước và đã được Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng thông qua. Ông cũng là người đầu tiên xây dựng nền móng và là ngọn cờ đầu của ngành năng lượng hạt nhân ở nước ta. Cụm công trình “Nghiên cứu tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao và phát hiện phản hạt hyperon sigma âm” được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ; phát hiện phản hạt hyperon sigma âm của ông đã được công nhận là một trong những thành tựu khoa học công nghệ lớn của thế kỷ XX.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận và GS.Nguyễn Thu Nhạn - phu nhân cố GS.Nguyễn Đình Tứ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận và GS.Nguyễn Thu Nhạn - phu nhân cố GS.Nguyễn Đình Tứ. Ảnh: gdtd.vn

Trong ngành GD&ĐT, với tư cách là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (7/1971 – 3/1976), Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (4/1976-6/1976) và Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (6/1976-2/1987), GS.Nguyễn Đình Tứ đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước. Trong đó nổi bật là sự chỉ đạo việc xây dựng mạng lưới đào tạo trong toàn quốc và tổ chức chi viện hỗ trợ các trường phía Nam sau thống nhất đất nước; tổ chức thí điểm và triển khai đào tạo sau đại học; chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống; đề xuất chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo trong tình hình mới...

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, GS.Nguyễn Đình Tứ đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Giải thưởng Khoa học công nghệ Hồ Chí Minh, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất. Ông cũng đã được Nhà nước Liên Xô (cũ) trao tặng giải thưởng phát minh khoa học về lĩnh vực hạt nhân và Huân chương Hữu nghị giữa các dân tộc.

Các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: gdtd.vn
Các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: gdtd.vn

Nhìn lại cuộc đời cống hiến của GS.Nguyễn Đình Tứ, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, cuộc đời và sự nghiệp của GS.Nguyễn Đình Tứ là tấm gương sáng, để lại nhiều bài học sâu sắc cho những người làm công tác tuyên giáo về tinh thần trách nhiệm với nhân dân, với đất nước và nghị lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để vươn lên đạt đỉnh cao trong khoa học và công tác. Phẩm chất nổi bật của GS.Nguyễn Đình Tứ là tinh thần tự học và rèn luyện không mệt mỏi. Tài năng, nhân cách và cuộc đời hoạt động của GS.Nguyễn Đình Tứ để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm của các thế hệ cán bộ ngành Tuyên giáo và đội ngũ các nhà khoa học nước nhà.

Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Kế thừa những phẩm chất cao quý và sự nghiệp hoạt động phong phú của GS.Nguyễn Đình Tứ, cán bộ, nhân viên toàn ngành Tuyên giáo nguyện ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tuyên giáo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

GS.Nguyễn Thu Nhạn trao tặng sách cho thư viện
GS.Nguyễn Thu Nhạn trao tặng sách cho thư viện ĐHQG Hà Nội và Thư viện Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Ảnh: gdtd.vn

Bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bạn bè, đồng nghiệp, GS.Nguyễn Thu Nhạn – phu nhân cố GS.Nguyễn Đình Tứ tại buổi lễ đã trao tặng những cuốn sách là kỷ vật của GS.Nguyễn Đình Tứ cho thư viện ĐHQG Hà Nội và Thư viện Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Dịp này, đồng chí Đinh Thế Huynh cũng trao tặng cho gia đình GS.Nguyễn Đình Tứ bức ảnh cố giáo sư trong buổi gặp gỡ của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng với các cán bộ đã học ở Trường Quốc học Huế trong những năm 1935-1950.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một tiết học Lịch sử tại Trường Tiểu học số 223, Warsaw, Ba Lan.

Tranh cãi bỏ bài tập về nhà

GD&TĐ - Chính phủ Ba Lan quy định những quy định mới về việc giao bài tập về nhà, trong đó cấm giao bài tập cho học sinh lớp 1 - 3.