GS Nguyễn Minh Thuyết: Sở GD&ĐT không nên tổ chức biên soạn SGK

GD&TĐ - Tại buổi họp báo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 12/4, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới - đã đề cập các vấn đề: Tổ chức biên soạn SGK, đội ngũ giáo viên dạy tích hợp, lộ trình triển khai chương trình mới...

GS Nguyễn Minh Thuyết: Sở GD&ĐT không nên tổ chức biên soạn SGK

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, hiện nay, Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) được giao chủ trì phối hợp cùng một số đơn vị liên quan xây dựng thông tư quy định tiêu chuẩn, tổ chức được phép biên soạn SGK, tiêu chí đánh giá SGK và tổ chức hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

GS Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm cá nhân: Các Sở GD&ĐT không nên đứng ra tổ chức biên soạn SGK, vì nếu như vậy, các trường học trên địa bàn sẽ không có quyền lựa chọn. Nếu 63 Sở GD&ĐT cùng đăng k‎ý tổ chức biên soạn SGK sẽ dẫn đến tình trạng 63 “sứ quân” rất khó kiểm soát.

Tại buổi họp báo, GS Nguyễn Minh Thuyết đã trả lời các câu hỏi của phóng viên xung quanh nội dung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất thực hiện chương trình mới

Liệu đội ngũ giáo viên của chúng ta có đáp ứng được việc giảng dạy môn học tích hợp trong chương trình mới?

- Trước mắt, giáo viên của môn nào vẫn dạy những nội dung của môn đó, còn những giáo viên đã được bồi dưỡng, tập huấn tốt có thể đảm nhiệm toàn bộ môn tích hợp và đảm nhiệm những chuyên đề tích hợp.

Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo các trường sư phạm; có Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP).

Ở một số nước, khi đào tạo giáo viên người ta đào tạo nhiều môn, không đào tạo đơn môn. Chúng ta có thể theo hình thức đào tạo nhiều môn như vậy; cũng có thể theo hình thức chia ra các học phần, mô đun, giáo viên nào học hết các học phần sẽ thực hiện dạy tích hợp.

Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được chuẩn bị ra sao để đáp ứng với yêu cầu của chương trình mới? Bộ GD&ĐT có kế hoạch khảo sát các thiết bị trong các trường phổ thông hiện nay hay không?

- Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là vấn đề lớn. Chương trình này vừa là văn bản quy định, cũng là cam kết của nhà nước về chất lượng giáo dục phổ thông.

Nhà nước ở đây không chỉ là Bộ GD&ĐT mà còn là Chính phủ, Quốc hội, là chính quyền các địa phương. Để quyết định cải thiện điều kiện học tập, cơ sở vật chất các trường thì cấp ủy, chính quyền địa phương phải coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu và phải đầu tư.

Chúng tôi cũng đã có kiến nghị với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong thời gian chuẩn bị chương trình mới, Bộ trưởng sẽ làm việc với từng địa phương để xem công việc chuẩn bị các địa phương như thế nào và thúc đẩy việc thực hiện.

Riêng thiết bị có thể kế thừa được, nhưng phải khắc phục tình trạng thiết bị đắp chiếu, có thể do trang thiết bị không tốt, không chuẩn; do không có người sử dụng hoặc không quan tâm sử dụng. Việc khắc phục phải quan tâm hơn đến công tác quản l‎ý.

Hiện Bộ GD&ĐT đang rà soát danh sách thiết bị tối thiểu và chúng tôi được quyền tham gia bổ sung sửa đổi danh sách.

Họp báo công bố dự thảo CTGDPT tổng thể
Họp báo công bố dự thảo CTGDPT tổng thể 

Ổn định hình thức thi THPT quốc gia đến 2020

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có đề cập đến vấn đề đánh giá. Từ 3 hình thức đánh giá đưa ra trong dự thảo, có thể hiểu sẽ không còn kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa. Cách hiểu như vậy có đúng hay không?

- Hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao Vụ Giáo dục Trung học chủ trì phối hợp cùng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục và Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông xây dựng lộ trình đổi mới xét tốt nghiệp THPT khi chương trình mới bắt đầu được triển khai đến cấp THPT.

Bộ trưởng khẳng định, từ nay đến năm 2020, chúng ta ổn định hình thức thi THPT quốc gia.

Giảm tối đa các môn học bắt buộc ở THPT

Việc quy định các môn học bắt buộc ở THPT liệu có quá tải, có đảm bảo đúng yêu cầu phân hóa, định hướng nghề nghiệp?

- Giảm tối đa môn học bắt buộc là việc chúng tôi cố gắng thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội. Ở THPT bảo đảm cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị học có chất lượng sau THPT, nên phải cố gắng tạo điều kiện để học sinh tập trung vào những môn giúp định hướng nghề nghiệp, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.

Lớp 11, 12 có 6 môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, không phải là nhiều.

Trong đó, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có ít tiết, chủ yếu là thực hành, không gây nặng nề quá tải.

Những môn như Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng và an ninh được đưa vào chương trình là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và trên thực thế môn học này cũng rất cần thiết.

Hiện nay, số giờ chúng tôi phân bổ các môn này không khác chương trình hiện hành và gần tương đương tỷ lệ với chương trình nước ngoài.

Về các môn tự chọn bắt buộc, việc đưa vào các môn tự chọn bắt buộc là bước mới, Ban Phát triển Chương trình cũng tranh luận rất nhiều là nên quy định sẵn theo các khối hay để học sinh lựa chọn. Tôi cho rằng, để cho học sinh tự chọn sẽ tốt hơn.

Vấn đề đặt ra là: Nếu để học sinh tự chọn, các em có tự chọn quá phân tán hay không?

Chúng tôi đã thực hiện điều tra bằng phiếu hỏi với 2.789 học sinh của 5 trường THPT, kết quả các em chọn môn rất tập trung. Trong đó, các môn Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn có trên dưới 1.000 trong số học sinh được khảo sát chọn. Sắp tới sẽ cho điều tra trên toàn quốc. Chúng tôi đã xin phép lãnh đạo Bộ GD&ĐT về việc này.

Cố gắng thực hiện đúng lộ trình

Liệu việc triển khai chương trình mới có đáp ứng đúng thời gian theo yêu cầu của Quốc hội?

- Nghị quyết về đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông ban hành 28/11/2014, yêu cầu 4 năm sau triển khai chương trình mới. Nhưng muốn xây dựng chương trình mới lại phải chờ một văn bản hết sức quan trọng là khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam.

Ngày 4/11/2016, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhưng có thể khẳng định,

Ban phát triển Chương trình đã thực hiện đúng tiến độ kế hoạch, để làm sao tháng 9 có thể trình ban hành Chương trình giáo dục phổ thông. Hiện chương trình các môn học cũng đang được khẩn trương biên soạn.

Trong quá trình biên soạn chương trình, Ban Phát triển Chương trình đã phải tiến hành dạy thực nghiệm. Trên cơ sở đó, bộ phận biên soạn SGK sau này sẽ hoàn thiện để có bộ sách mới theo đúng kế hoạch. Lưu ‎ ý thêm là việc dạy sẽ theo hình thức cuốn chiếu, không phải lập tức phải có sách giáo khoa cho cả 12 lớp.

Cụ thể về lộ trình thực hiện: Sau khi có chương trình tổng thể sẽ biên soạn chương trình môn học. Trên thực tế, sau khi dư luận, chuyên gia thấy cơ bản chương trình tổng thể "đứng" được, việc xây dựng chương trình bộ môn đã được tiến hành.

Chương trình bộ môn cố gắng trong 1 - 2 tháng nữa sẽ đưa ra xin ‎ kiến chuyên gia, thẩm định vòng 1, sau đó đến thẩm định vòng 2 cả chương trình tổng thể và chương trình môn học.

Song song với đó, chúng tôi cũng kiến nghị với Bộ GD&ĐT, khoảng 1 – 2 tháng nữa cho công bố trên các phương tiện thông tin, thông báo mời các tổ chức, cá nhân đăng ký‎ viết sách.

Chương trình phải có tính ổn định tương đối

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, ổn định, cập nhật chương trình là vấn đề luôn đặt ra với giáo dục. Cơ bản, chương trình ổn định, nhưng không thể không cập nhật.

Như khoảng những năm 1992 – 1994, Bộ GD&ĐT tổ chức sửa lại các nội dung về lịch sử vì thế giới diễn ra những thay đổi về lịch sử, địa l‎ý; hoặc như việc Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội cũng phải cập nhật. Chưa kể, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những vấn đề chúng ta phải cập nhật…

Còn dĩ nhiên, chương trình phải có tính ổn định tương đối, vì những gì dạy ở phổ thông là những vấn đề căn bản.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi họp báo
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi họp báo 

Chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mới

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới Nguyễn Minh Thuyết đã dành hơn 2 giờ đồng hồ chia sẻ những thông tin liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới tại buổi họp báo.

Trao đổi về các điều kiện thực hiện chương trình mới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Cùng với Ban Phát triển Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT còn có Ban Chỉ đạo về Chương trình GDPT mới và thường xuyên họp, đánh giá các hoạt động đã đạt được để có kế hoạch tiếp nối.

Có 2 vấn đề đặt ra là giáo viên và cơ sở vật chất. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình mới, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 732/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”; có Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) và hiện đang hoàn thiện chuẩn nghề nghiệp cũng như chuẩn, quy chuẩn về giáo viên đáp ứng chương trình này.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới. Như vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã được tiến hành, thậm chí đi trước 1 bước.

Bộ GD&ĐT cũng trình Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông. Cùng với đó, thực hiện rà soát danh mục thiết bị trường học để phù hợp với chương trình mới. Thực hiện cuốn chiếu để có thời gian chuẩn bị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.