Góp ý việc soạn thảo Dự thảo Đề án liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong GD-ĐT

GD&TĐ - Chiều nay (22/8), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng chủ trì buổi họp với Ban soạn thảo và Tổ biên tập Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong GD-ĐT  

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Cụ thể là Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025".

Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, Đề án nên bổ sung thêm các căn cứ và làm rõ hơn về mục tiêu chung, mục tiêu riêng. Đồng thời cần cấu trúc lại bố cục văn bản cho hợp lý và xác định nhiệm vụ cũng như là các giải pháp thực hiện; Dự thảo Đề án nên điều chỉnh các chỉ tiêu sao cho phù hợp với thực tiễn; cách tiếp cận nên đi theo hướng phải làm như thế nào để đạt được mục tiêu của đề án; cần phân cấp trách nhiệm rõ ràng cho các Bộ, ngành, các Sở GD&ĐT và các cơ sở GD-ĐT.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên trong Ban soạn thảo và Tổ biên tập; đồng thời đề nghị bộ phận thường trực cần tiếp thu và cân nhắc để bổ sung, chỉnh sửa sao cho hợp lý.

Về cấu trúc của Đề án, Thứ thưởng nhấn mạnh: Nên đi theo hướng: Thực trạng rồi đến mục tiêu và giải pháp thực hiện ở cả ba nội dung là: quản lý, hỗ trợ các hoạt động giảng dạy (liên quan đến giáo viên, giảng viên) và nghiên cứu khoa học.

"Như vậy, chúng ta đã có chất liệu để xây dựng Đề án, vấn đề còn lại là sắp xếp sao cho hợp lý" - Thứ trưởng trao đổi và thống nhất quan điểm với các đại biểu là cần bổ sung để làm rõ hơn phần hiện trạng.

Theo Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, cần bổ sung thêm phần ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu khoa học và làm rõ các giải pháp xã hội hóa. Đây là nội dung quan trọng, nhưng hiện nay đang vướng về cơ chế để thực hiện.

Thứ trưởng nhất trí điều chỉnh một số chỉ tiêu cho phù hợp để khi bảo vệ Đề án có đầy đủ cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học. Đồng thời cần làm rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục.

Riêng về mục tiêu của Đề án, Thứ trưởng cho rằng nên tiếp cận theo hướng ưu tiên. Chẳng hạn như mục tiêu nào cần ưu tiên, nhiệm vụ nào cần ưu tiên và đội ngũ nào cần ưu tiên....

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đồng tình với các ý kiến của các đại biểu là: Cần có con số khái toán để thiện hiện vào Đề án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ